LÀM MARKETING CHỨ ĐỪNG LÀM THỢ CHẠY QUẢNG CÁO

Hiện nay, nghề marketing hay còn gọi là tiếp thị là một nghề khá “hot” trên thị trường vì nhu cầu cao do phạm vi áp dụng của nó rất rộng. Bất kể lĩnh vực kinh doanh nào bây giờ đều cần làm marketing, đặc biệt chuyển đổi số đã, đang làm thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế thì Digital Marketing (tiếp thị số) là một việc gần như bắt buộc của mỗi doanh nghiệp.

làm marketing chứ đừng chỉ đốt tiền chạy quảng cáo

Tuy nhiên, cũng có một thực tế là định hướng sai của không ít bạn trẻ về nghề này. Sai vì nó khiến người làm marketing chỉ biết được “ngọn” mà không nắm được “gốc” của nghề, chỉ biết chạy theo công cụ thực thi mà không nắm được bản chất, chỉ chạy theo các yêu cầu thực dụng của doanh nghiệp để kiếm tiền trước mắt mà không nghĩ đến phát triển bản thân lâu dài.

Vì vậy, bài viết này Hải xin chia sẻ một chút về nghề marketing, để các bạn trẻ có thể hiểu và tránh mắc sai lầm này.

Suy nghĩ của các chủ doanh nghiệp về marketing.

Đối với doanh nghiệp lớn, chủ doanh nghiệp có những hiểu biết sâu sắc hoặc những bộ phận truyền thông, tiếp thị chuyên trách, bài bản thì chắc chắn nhận thức về marketing sẽ đầy đủ. Còn doanh nghiệp nhỏ thì sao?

Đa số chủ doanh nghiệp nhỏ không có nhận thức đầy đủ về marketing. Họ thường kỳ vọng marketing là giải pháp tăng doanh thu cho doanh nghiệp tức thì, họ muốn nhìn thấy sự thay đổi tích cực trong vài tuần hoặc 1-2 tháng. Với mục tiêu như vậy, chủ doanh nghiệp thường đánh đồng marketing và quảng cáo. 

chủ doanh nghiệp suy nghĩ làm marketing là để tăng đơn hàng ngay

Marketing là đổ tiền “vít” quảng cáo, làm sao cho ra đơn, ra số. Là đầu tư các kênh, các mặt trận từ online đến offline, thấy người khác có kênh gì mình cũng làm cái đó mà không cần quan tâm đến hành vi, nhân khẩu học khách hàng tiềm năng. Họ cũng thường không quan tâm hoặc không quan tâm nhiều đến xây dựng thương hiệu một cách bài bản, kiên trì.

Làm marketing theo kiểu copy nguyên mẫu của bên khác, mong muốn “ra đơn” ngay và không muốn đầu tư vào xây dựng thương hiệu, đó là cách làm thường thấy của các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.

>>> Hiểu đúng vai trò của marketing trong kinh doanh

Cách làm marketing của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Mong muốn công ty phát triển và tăng doanh thu là mong muốn hoàn toàn chính đáng của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, đặt trọng trách đó lên vai đội ngũ marketing thì thật quá sức và sai lầm. Chỉ tập trung vào mục tiêu chuyển đổi, đơn hàng khi làm marketing cũng là một thiếu sót lớn mà các ông chủ hay mắc phải. Từ đó, họ đưa ra mục tiêu tuyển dụng hoặc thuê ngoài cũng rất thực dụng như: nhân viên vận hành quảng cáo, nhân viên chạy ads, chuyên viên GG ads, chuyên viên Fb ads, đội digital marketing chuyên về performance…vân vân mây mây.

Cách làm marketing “xôi thịt” này là bộ phận marketing được cấp một khoản ngân sách X cho một tháng và phải đạt chỉ tiêu kiếm về bao nhiêu khách hàng tiềm năng hoặc phải kiếm về bao nhiêu doanh thu cho công ty. Nếu ROI đảm bảo, bộ phận marketing tiếp tục triển khai. Còn nếu ROI không đảm bảo thì bộ phận marketing phải thay đổi kế hoạch hoặc doanh nghiệp sẽ thay đội marketing khác.

làm marketing chứ không phải chạy ads

Cách làm marketing đúng đắn là xuất phát từ giá trị nội tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã hoàn thiện bộ máy vận hành, đã có sản phẩm dịch vụ tốt, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Khi đó, bộ phận marketing sẽ có nhiệm vụ làm rõ nét cái hay cái tốt, sự khác biệt của doanh nghiệp và quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ những cái đó đến người tiêu dùng.

Làm marketing khi chưa hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ thì chính là “tự sát”. Hoặc phóng đại, lừa dối người tiêu dùng, nói quá về năng lực hay giá trị cốt lõi của doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu. Làm marketing mà bỏ qua xây dựng thương hiệu cũng là một sai lầm nghiêm trọng mà chủ doanh nghiệp cần tránh.

>>> Xây dựng thương hiệu, làm thế nào cho đủ?

Người làm marketing phải đặt mục tiêu phát triển bản thân chứ đừng làm vì mục tiêu của các ông chủ.

Từ cách làm và định hướng marketing của chủ doanh nghiệp, đã có rất nhiều marketer chấp nhận nó. Chấp nhận việc tập trung “chạy số” kiếm đơn hàng cho doanh nghiệp, bỏ qua chiến lược, định vị, khác biệt, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ, xây dựng thương hiệu,…Bỏ qua những thứ là “xương sống” để phát triển thương hiệu trên chặng đường dài, chỉ làm marketing theo nhu cầu trước mắt của doanh nghiệp.

Vì thế, các marketer đã tự biến mình thành những “thợ chạy quảng cáo” đúng nghĩa, không tầm nhìn, không chiến lược mà chỉ set camp, vít số và tối ưu. Viễn cảnh sẽ nhanh chóng hiện ra, đó là các đối thủ liên tục tăng giá thầu khiến quảng cáo ngày càng khó khăn và đắt đỏ, tối ưu ngày đêm mà khách liên hệ không được bao nhiêu. Và rồi, ông chủ không còn đủ kiên nhẫn, đánh giá bộ phận marketing kém hiệu quả, cần có sự thay thế.

Đây chính là kết cục của những người làm marketing kiểu “ ăn xổi”, chấp nhận chạy theo yêu cầu của các chủ doanh nghiệp chưa hiểu đúng về marketing mà chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Ngược lại, người làm marketing nên tư vấn cho các ông chủ cách làm đúng đắn, có cái nhìn tổng quát và hoạch định được chiến lược marketing dài hạn cũng như ngắn hạn cho doanh nghiệp. Bản chất, cuộc chiến marketing là cuộc chiến về sự thấu hiểu khách hàng, càng hiểu khách hàng của mình, marketer càng có cơ hội chiến thắng hơn.

người lam marketing để phát triển bản thân

Đặc biệt, chiến lược marketing cần phải phù hợp với nguồn lực cũng như sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Không nên “thổi phồng” quá mức về doanh nghiệp, nó không những không giúp cho doanh nghiệp chiếm ưu thế trên thị trường mà còn làm mất uy tín của thương hiệu trong mắt khách hàng.

Hãy mạnh dạn từ chối các yêu cầu “ăn xổi” của chủ doanh nghiệp vì cách làm marketing này chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả dài hạn cho chính doanh nghiệp. Quan trọng hơn, nếu chạy theo các yêu cầu này, người làm marketing sẽ biến thành các “thợ vít quảng cáo”, không có cái nhìn tổng quan, không hiểu được cốt lõi của marketing và đương nhiên mất dần giá trị của mình. Hiện nay, ai cũng biết, đi làm đã không còn hoàn toàn vì thu nhập mà nó còn cần môi trường, cơ hội để phát triển chuyên môn và bản thân. Có như vậy marketer mới có thể tiến xa và có chỗ đứng vững chắc trong ngành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *