HIỆU QUẢ THỰC SỰ CỦA QUẢNG CÁO MUA SẮM GOOGLE

Dạng quảng cáo mua sắm Google là quảng cáo rất phổ biến hiện nay, tuy nhiên, sự hiệu quả thực sự của nó vẫn đang là một dấu hỏi vì thường các doanh nghiệp sẽ triển khai đồng thời nhiều dạng, nhiều nền tảng quảng cáo cùng lúc. Trong bài viết này, Hải sẽ chia sẻ một góc nhìn về dạng quảng cáo này dựa trên kinh nghiệm thực tế của mình.

Sự ra đời của quảng cáo mua sắm Google

Quảng cáo mua sắm Google hay còn gọi là quảng cáo Google shopping là dạng quảng cáo  mà Google tạo ra để bắt kịp xu thế mua hàng trên các sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng. Trên các sàn thương mại điện tử trên thế giới có Amazon, Alibaba,..tại Việt Nam có Shopee, Lazada, Tiki,…người tiêu dùng có thể nhìn thấy ảnh, giá, mô tả ngắn của sản phẩm và quan trọng là có thể so sánh giá bán của các shop.

quảng cáo mua sắm google

Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, thay vì vào Google tìm kiếm thông tin, so sánh giá giữa nhiều website của các shop như trước đây. Người tiêu dùng có xu hướng vào trực tiếp các sàn mua bán như Amazon hoặc các sàn địa phương để search từ khóa sản phẩm, sau đó xem xét, so sánh và ra quyết định mua hàng. Vì thế, thị phần tìm kiếm của Google đã suy giảm không nhỏ, qua đó vị thế độc tôn trong quảng cáo tìm kiếm bị uy hiếp nghiêm trọng.

Google đã sớm nhận thức được mối nguy hiểm thực sự của các sàn thương mại điện tử, vì thế họ cần phải đưa ra giải pháp để ngăn chặn điều này. Google cần có một sản phẩm, một công cụ để cạnh tranh trực tiếp với các sàn, để kéo người dùng quay trở lại với thanh Google Search quen thuộc, qua đó lấy lại thị phần tìm kiếm. Và thanh mua sắm trên giao diện tìm kiếm của Google đã được ra đời với cách hoạt động hoàn toàn tương tự như chúng ta truy cập vào một sàn thương mại điện tử. Đây chính là lý do của sự ra đời quảng cáo mua sắm Google.

Ưu nhược điểm của quảng cáo mua sắm Google

Ưu điểm:

  • Sản phẩm có thông tin trực quan là ảnh, mô tả ngắn, giá.
  • Người dùng có thể dễ dàng xem và so sánh nhiều sản phẩm với nhau cùng lúc.
  • Thúc đẩy quyết định mua hàng của người dùng khi nhìn thấy thông tin rõ ràng
  • Tăng nhận diện thương hiệu khi sản phẩm được xuất ngay ở dòng đầu tiên của kết quả tìm kiếm.

Nhược điểm:

  • Không kiểm soát được từ khóa tìm kiếm của người dùng.
  • Không kiểm soát được đối tượng hiển thị quảng cáo.

Đánh giá tính hiệu quả của quảng cáo mua sắm google

Nếu lướt trên các trang mạng cả trong lẫn ngoài nước, hầu hết các đánh giá đều là tích cực cho quảng cáo mua sắm Google. Về cơ bản các đánh giá đó là tính hiệu quả cao, thúc đẩy mua sắm, tăng doanh thu, tăng nhận diện thương hiệu….Tuy nhiên, nếu tinh ý bạn sẽ thấy rằng, các đánh giá này đều của các bên cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc các agency quảng cáo lớn – đối tác của Google.

Chưa thể kết luận các đánh giá đầy tích cực này đúng hay sai, nhưng có một điều chắc chắn rằng bạn khó có thể nhận được những đánh giá khách quan từ những người đang có lợi ích mật thiết từ quảng cáo Google hay cụ thể là quảng cáo mua sắm Google. Với tư cách là người đã sử dụng Google Shopping ở một vài dự án, nhưng lại không phải là người cung cấp dịch vụ hay đối tác của Google, Hải nhìn nhận quảng cáo mua sắm Google trên mấy khía cạnh sau đây:

Trên phương diện là bên cung cấp dịch vụ, bản chất Google hoặc các đối tác, các agency quảng cáo là một nhà bán hàng. Vì thế mục đích tối cao của họ phải là tăng doanh thu, lợi nhuận, là thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng. Do đó, Google liên tục tung ra những sản phẩm mới cho dịch vụ quảng cáo của mình như tìm kiếm, mua sắm, hiển thị, khám phá, video, tối đa hóa hiệu suất,…Thêm vào đó, những tư vấn tối ưu quảng cáo của các chuyên viên Google cũng hướng đến hành động tăng ngân sách, tăng giá thầu của khách hàng.

sự ra đời của quảng cáo mua sắm google

Còn về phía các agency hay đối tác của Google. Họ cũng luôn muốn khách hàng của mình sử dụng nhiều dạng quảng cáo nhất vì sử dụng nhiều đồng nghĩa với với tăng ngân sách, mà tăng ngân sách thì họ sẽ được hưởng số tiền quản lý nhiều hơn theo phần trăm đã thỏa thuận trước. Mặt khác, khách hàng càng tăng ngân sách quảng cáo thì họ càng được Google đánh giá cao và có rất nhiều lợi ích.

Trên phương diện là người tiêu dùng sử dụng phương thức tìm kiếm của Google. Dòng đầu tiên trên kết quả tìm kiếm bây giờ sẽ là thanh sản phẩm của quảng cáo mua sắm Google, nó khá trực quan và có thể trượt sang bên để bạn có thể xem, so sánh cùng lúc nhiều nhà cung cấp mà chưa cần có hàng động click vào xem. Tuy nhiên, xác suất để nhìn thấy sản phẩm mình ưng ý ngay là rất thấp vì có quá nhiều nhà cung cấp hay shop cùng cạnh tranh cho những vị trí ở đây. Do đó, quá khó để người dùng có thể ra quyết định mua hàng ngay trong 1,2 cái nhấp chuột đầu tiên được.

người mua hàng trong quảng cáo mua sắm google

Mặt khác, những sản phẩm được quảng cáo trên Google Shopping không phải rẻ tiền nên người dùng sẽ cần thời gian cân nhắc, chọn lựa rồi mới đi đến quyết định cuối cùng. Thêm vào đó, hệ thống đánh giá sao trên từng sản phẩm mang tính ước lượng, không cụ thể. Nó khác rất nhiều so với các sàn thương mại điện tử, khi người dùng lướt qua các shop, so sánh giá, nhìn số lượng feedback và có thể quyết định mua hàng ngay ở click đầu tiên. Chính vì vậy, nói quảng cáo mua sắm Google tăng khả năng mua hàng của người dùng là thiếu cơ sở.

Trên phương diện là người bán, đang sử dụng dịch vụ quảng cáo mua sắm Google. Bạn cần nhận ra rằng đa số người dùng vẫn quen thuộc với kết quả tìm kiếm của Google Search nên tỷ lệ click vào Google Shopping là không cao. Tiếp đến, cũng là điều quan trọng và mấu chốt của dạng quảng cáo mua sắm Google đó là chúng ta không kiểm soát được đối tượng sẽ nhìn thấy quảng cáo mặc dù có dùng từ khóa tìm kiếm.

Với Google Shopping, chúng ta không chọn chính xác được từ khóa tìm kiếm mà do Google tự lấy từ tương tự theo tiêu đề và mô tả sản phẩm, chúng ta chỉ khống chế được phần nào bằng nhóm từ khóa phủ định. Theo thống kê trên một thời gian khá dài của Hải, trên 50% ngân sách quảng cáo bị rơi vào những nhấp chuột từ từ khóa tìm kiếm sai. Thêm nữa, nhân khẩu học chúng ta cũng không kiểm soát được ở dạng quảng cáo này, dẫn đến tình trạng quảng cáo hiển thị sai đối tượng nhiều.

Ngoài ra, nghi vấn click ảo và chuyển đổi ảo của quảng cáo mua sắm Google vẫn còn đang là một dấu hỏi lớn mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Đối với Google Search, vẫn có những chuyển đổi ảo, nhưng tỷ lệ đó thấp, còn với Google Shopping tỷ lệ đó rất cao. Điều này dẫn đến nhìn vào số liệu báo cáo, quảng cáo vẫn rất tốt vì mang đến lượng chuyển đổi không tồi, nhưng thực tế lại không có khách hàng liên hệ hoặc không có đơn đặt hàng.

vai trò của markting trong việc tăng doanh thu

Tất nhiên, những đánh giá trên chỉ là góc nhìn của Hải, còn quảng cáo mua sắm Google mang đến hiệu quả đến đâu thì chỉ có các nhà bán hàng biết được, miễn sao đảm được ROI thì chúng ta hoàn toàn có thể triển khai. Hải chỉ muốn cung cấp một thông tin tham khảo cho các nhà bán hàng, đặc biệt các bạn khởi nghiệp.

Khi nào nên dùng quảng cáo mua sắm google?

Quảng cáo Google mua sắm có thể có ít hiệu quả trong việc tăng doanh thu cho các nhà bán hàng, nhưng nó chắc chắn sẽ có những giá trị riêng của nó mà chúng ta không thể phủ nhận, điều quan trọng là chúng ta sử dụng nó vào đúng mục đích. Đó là 2 mục đích sau đây:

Tăng nhận diện thương hiệu, tăng lượt truy cập cho website. Với vị trí đầu tiên trên kết quả tìm kiếm, chắc chắn thương hiệu của bạn sẽ được người dùng nhìn thấy (tất nhiên là bạn phải cạnh tranh với các nhà quảng cáo khác để chiếm lĩnh được những vị trí đầu tiên này). Điều này lặp đi lặp lại, kết hợp với kết quả tìm kiếm của Google Search và xếp hạng tự nhiên, chắc chắn sẽ giúp thương hiệu của bạn có nhiều cơ hội xâm chiếm tâm trí người dùng.

Thử nghiệm với mục tiêu tăng doanh thu. Khi triển khai quảng cáo mua sắm Google, đa số nhà bán hàng đều hướng tới mục tiêu tăng đơn hàng, tuy nhiên, như những phân tích ở trên bạn cần khôn ngoan khi thực hiện. Hãy triển khai duy nhất quảng cáo mua sắm Google cho một khoảng thời gian nhất định để theo dõi hiệu quả thực sự của nó, tránh việc bị lẫn lộn hiệu quả của nhiều dạng quảng cáo đồng thời và đừng vội tin vào báo cáo chuyển đổi của Google. Chỉ khi lợi nhuận/chi phí đầu tư đạt yêu cầu, thì quảng cáo đó mới thực sự mang lại hiệu quả.

>>> Quảng cáo có phải cây đũa thần cho doanh nghiệp?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *