7 SAI LẦM “CHÍ MẠNG” VỀ TƯ DUY KINH DOANH KHỞI NGHIỆP MÀ BẠN CẦN TRÁNH

Hầu như ai cũng đều nghĩ đến việc khởi nghiệp kinh doanh ít nhất một lần trong đời. Một số ít là sống sót, phát triển, rất ít là thành công vang dội, còn lại đại đa số là thất bại hoặc mới chỉ dừng ở mức ý định, ý tưởng. Khởi nghiệp là khó, không muốn nói là rất khó, nhưng không vì thế chúng ta mặc nhiên chấp nhận thất bại, dùng phương pháp “thử -sai” một cách vô tội vạ, không có định hướng. Hải cho rằng, định hướng ở đây chính là tư duy kinh doanh.

Tư duy kinh doanh là cái có trước cả ý tưởng kinh doanh, nó không phải thứ sẵn có từ lúc mới sinh ra hay có từ quá trình học tập từ lý thuyết mà nó cần có sự trải nghiệm, đúc kết từ thực tế. Khi khởi nghiệp lần đầu, đa số đều bơ vơ, ngơ ngác giữa thương trường, không có ai tư vấn, chỉ bảo nên rất dễ mắc những sai lầm “chết người”. 

tư duy kinh doanh cần tránh

Giữa lúc có hàng trăm câu hỏi bủa vây, chỉ mong có ai đó giải đáp cho mình đôi điều hay đọc được ở đâu đó một vài lời khuyên thì có lẽ sẽ tránh được những cú vấp không đáng có, những cú ngã phải trả bằng nhiều tiền bạc, thời gian và công sức. Chính vì điều này Hải muốn chia sẻ để phần nào đó giúp những bạn khởi nghiệp như Hải trước đây, tránh được những thất bại “hiển hiện trước mắt”.

Tư duy kinh doanh chân trong chân ngoài

Chân trong chân ngoài là một tư duy kinh doanh  không hiếm gặp ở những người lần đầu khởi nghiệp. Ấp ủ rất nhiều hoài bão, khát vọng lớn nhưng vì áp lực cơm áo gạo tiền, trách nhiệm với gia đình nên không muốn rủi ro. Họ muốn vừa làm thuê để có thu nhập ổn định và vừa triển khai job kinh doanh, khi nào job kinh doanh phát triển đủ lớn họ sẽ nghỉ việc ra ngoài làm. 

Tính toán có vẻ rất logic, hợp lý và hạn chế tối đa được rủi ro. Vừa vẫn có tiền duy trì cuộc sống, trách nhiệm với gia đình, vừa vẫn có thể theo đuổi đam mê kinh doanh và chỉ cần đợi đến ngày job kinh doanh “phất” là ta có thể toàn tâm toàn ý cho nó rồi. Quả là một “kế sách vẹn toàn”. Nhưng…

Đó chỉ là những tính toán hoàn toàn trên lý thuyết, còn thực tế tư duy kinh doanh này cơ bản chỉ mang đến một kết quả duy nhất đó là “xôi hỏng bỏng không”, cả hai việc trong và ngoài đều sẽ không đi đến đâu. Bạn cần hiểu rằng, kinh doanh muốn tồn tại và phát triển cần đổ vào đó rất nhiều tâm sức, tâm trí cần nhiều và rất nhiều hơn những hoạt động chân tay. 

Sẽ có rất nhiều thứ cần suy nghĩ, cần triển khai, cần tối ưu khi triển khai job khởi nghiệp mà bạn phải tự thực hiện, không thể để ai làm hộ, đặc biệt là công việc tìm kiếm những khách hàng đầu tiên. Nếu bạn không “trăn trở” với job kinh doanh thì khả năng rất cao nó sẽ nhanh chóng đổ bể hoặc có tồn tại cũng ở tình trạng “xác sống” vật vờ, không hơn không kém. Khi bạn mới bắt đầu kinh doanh, cần xác định nỗ lực là 200% chứ không thể là 90 hay 50% nữa, có như vậy mới hi vọng đạt được thành tựu gì đó.

tư duy kinh doanh chân trong chân ngoài

Vậy khi chúng ta đã dồn toàn bộ tâm trí cho job kinh doanh riêng thì công việc làm thuê sẽ ra sao? Tất nhiên rồi, nó sẽ chểnh mảng với các biểu hiện chậm deadline, chất lượng hoàn thành công việc đi xuống, bỏ sót việc được giao, mất tập trung trong cuộc họp,…Với những biểu hiện này, quản lý của bạn sẽ nhanh chóng nhìn ra và đưa bạn vào black list. Nhẹ là nhắc nhở, phê bình, nặng là cho thôi việc. Ít nhất bạn cũng sẽ mất đi cái nhìn thiện cảm, niềm tin từ sếp, những việc quan trọng bạn sẽ không còn được đảm nhận và bạn sẽ nhanh chóng thấy mình cũng ở trạng thái vật vờ trong công ty.

Bài học rút ra: Chỉ chọn một trong hai, không có phương án vẹn cả đôi đường. Kinh doanh vốn là thứ rủi ro nên hãy chấp nhận nó và nỗ lực hết sức vì nó. Có như vậy bạn mới hi vọng có được thành quả nhất định

Tìm kiếm thu nhập thụ động từ việc kinh doanh

Động lực khởi điểm không phải vì đam mê hay hoài bão mà là kì vọng sẽ có một nguồn thu nhập thụ động khi kinh doanh, đây là một tư duy kinh doanh của nhiều người. Nó là một mong muốn chính đáng nhưng lại là một tư duy kinh doanh sai lầm. 

Kinh doanh có nhiều biến động, ngoài các yếu tố nội tại là năng lực con người, nó còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường, mùa vụ, kinh tế vĩ mô, chính trị…những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của 1 cá nhân hay tổ chức nào đó. Chính vì bản chất biến động nên doanh thu và lợi nhuận khó có thể ổn định, theo một chu kì hay theo một hàm số toán học nào đó.

Mặt khác, ở thời điểm đầu kinh doanh, hòa vốn đã là một thành công chứ chưa nói đến có lãi hay có nguồn thu nhập thụ động. Sau đó, những người sáng lập cũng cần có nỗ lực lớn để job có sự phát triển, tăng trưởng, qua đó mới bắt đầu có nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bản thân và đội ngũ. 

Chính vì thế, với khởi nghiệp kinh doanh, bạn không thể mong đợi có một nguồn tiền cố định chảy vào túi hàng tháng mà gần như không phải nỗ lực gì. Bạn cần có sự chuẩn bị về tài chính cho việc này để đảm bảo mình và đội ngũ có thể tồn tại trong những tháng năm đầu khó khăn.

tư duy kinh doanh kiếm tiền thụ động

Nếu bạn muốn có nguồn thu nhập thụ động thì các kênh đầu tư là hợp lý hơn rất nhiều. Bạn có thể đầu tư kinh doanh nơi bạn tin tưởng, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hay xây một ngôi nhà rồi cho thuê…. Bạn không cần phải suy nghĩ, tốn nhiều công sức, trăn trở vì nó, mà khoản đầu tư của bạn đã có người khác lo và trả lợi tức hàng tháng cho bạn.

Bài học rút ra: nếu muốn tìm nguồn thu nhập thụ động hãy tìm đến kênh đầu tư. Còn kinh doanh bản chất là không ổn định.

Triển khai nhiều job kinh doanh cùng lúc

Tư duy kinh doanh nóng vội là cực kỳ nguy hiểm, điển hình của tư duy này là triển khai cùng lúc nhiều job kinh doanh khi mới bắt đầu. Khi bắt đầu là lúc job kinh doanh cần tập trung mọi nguồn lực để tồn tại, phát triển và vững vàng trên thị trường. 

Nhưng chưa tạo được thế vững, chưa có mũi nhọn bạn đã triển khai tiếp các job kinh doanh khác với mong muốn sớm hiện thực hóa ước mơ, hoài bão tạo hệ sinh thái, thành lập tập đoàn của mình.

Hải đọc ở đâu đó một câu mà mình rất tâm đắc đó là: đã nhỏ thì phải nhọn. Như một cây kim, đã nhỏ thì phải sắc nhọn thì mới chọc thủng được tấm vải dày, thay vì một chiếc dao to nhưng cùn thì chẳng thể đâm thủng thứ gì. 

Cũng giống như doanh nghiệp lúc khởi sự, còn rất nhỏ bé trên thị trường, cần tập trung mọi nguồn lực để có sản phẩm dịch vụ mũi nhọn, đi sâu vào thị trường, chiếm lấy lòng tin của khách hàng. Khi nhỏ bé, nguồn lực rất hạn chế thì chỉ có tập trung mới mang lại hiệu quả, dàn trải chính là tự sát.

tư duy kinh doanh triển khai nhiều job cùng lúc

Không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn còn nguyên bài học của những doanh nghiệp lớn đầu tư dàn trải, mở rộng kinh doanh ngoài lĩnh vực cốt lõi của mình và nhận lại những thất bại nặng nề. Từ những bài học thực tiễn đó, chúng ta càng củng cố tư duy bình tĩnh, bền vững, không nóng vội, cần thực sự mạnh ở lĩnh vực cốt lõi sau đó mới tính đến việc mở rộng và việc mở rộng ngành nghề cần cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng trước khi quyết định.

Bài học rút ra : trước tiên cần tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển lĩnh vực cốt lõi, chỉ đến khi lĩnh vực cốt lõi thực sự mạnh, đã có vị thế trên thị trường bạn mới nên nghĩ đến việc triển khai tiếp các job kinh doanh mới.

Tư duy kinh doanh: việc mình không làm được thì đi thuê

Thuê ngoài là một phương án phổ biến trong tư duy kinh doanh không chỉ áp dụng ở những doanh nghiệp nhỏ mà nó còn được sử dụng trong những doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đối với doanh nghiệp nhỏ, nó giúp giải bài toán xử lý được lượng đơn hàng lớn trong khi nguồn lực nội tại còn hạn chế. Mặt khác nó giúp tối ưu chi phí, doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực cho những công việc quan trọng cốt lõi.

Đối với doanh nghiệp lớn, việc thuê ngoài giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, tăng sự chuyên môn hóa qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ thuê ngoài khi bạn đã đã làm tốt công việc đó hoặc có thể kiểm soát tốt nó, còn bạn chưa biết kiểm soát nó như thế nào, mọi thứ hoàn toàn dựa vào báo cáo một chiều của đối tác thuê ngoài thì sẽ như “cầm dao đằng lưỡi”.

Có những doanh nghiệp, người sáng lập còn đang loay hoay, chưa biết triển khai job kinh doanh như nào, kinh doanh còn đang thua lỗ triền miên, khách hàng lác đác nhưng với tư duy kinh doanh: không làm được thì ta đi thuê, doanh nghiệp đã có giải pháp thuê CEO. Hay rất nhiều chủ doanh nghiệp còn hiểu lơ mơ về marketing nhưng đánh giá đây là mảng không quan trọng nên sử dụng phương án phòng marketing thuê ngoài.

Đây đều là những giải pháp “đi vào lòng đất” vì những điểm vị trí chủ chốt, khâu trọng yếu của bộ máy, doanh nghiệp lại ngây thơ và liều lĩnh đi thuê, trong khi bản thân chưa biết làm, chưa có định hướng và chưa thể kiểm soát công việc bên ngoài. Trong trường hợp này, chủ doanh nghiệp không thể đánh giá được tính hiệu quả của công việc, cũng như không thể truyền tải được đầy đủ định hướng của mình. 

tư duy kinh doanh không làm được thì đi thuê

Nó dẫn tới việc kinh doanh chỉ dựa trên báo cáo phân tích thiếu khách quan hoặc chạy theo những con số tăng trưởng trước mắt mà không có định hướng lâu dài. Từ đó job kinh doanh sẽ rơi vào tình trạng đốt tiền để thử nghiệm và mong đợi một ngày khởi sắc, trong khi những người trả tiền lại là người không sâu sát, không thấu hiểu khách hàng của mình và không có những số liệu chuẩn xác nhất.

Bài học rút ra: trong giai đoạn đầu, những vị trí chủ chốt cần do những người sáng lập đảm nhiệm, không thể giao cho người khác. Những công việc trọng yếu cần có đội ngũ inhouse thực hiện, không thể thuê ngoài.

Coi nhẹ chất lượng sản phẩm, dịch vụ

Kinh doanh nhưng coi nhẹ hoặc không đặt trọng tâm vào công việc tối ưu sản phẩm, dịch vụ là một tư duy kinh doanh nguy hiểm nhất, theo Hải. Sản phẩm, dịch vụ luôn là cốt lõi của việc kinh doanh vì chính sản phẩm dịch vụ là cái mang tới giá trị đích thực cho khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp đã quên hoặc cố tình quên cái cốt lõi này, mà lại tập trung vào truyền thông, marketing, sale. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, chỉ đang ở mức độ trung bình trên thị trường, nhưng lại đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm khách hàng, chốt hợp đồng, coi khách hàng là vật thử nghiệm để mình hoàn thiện sản phẩm là cách làm không hiếm gặp.

Hãy nhớ rằng, nếu trải nghiệm của khách hàng không tốt thì sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến thương hiệu, không chỉ bản thân khách hàng đó sẽ không quay lại mà còn những người thân quen của họ sẽ không bao giờ đến với thương hiệu đó nữa. Tiếng tốt thì đi chậm nhưng tiếng xấu sẽ bay rất nhanh.

tư duy kinh doanh coi nhẹ sản phẩm dịch vụ

Cố gắng mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và luôn luôn phải tối ưu, làm nó tốt hơn trước khi quảng bá, giới thiệu nó ra thị trường, đó mới là cách làm đúng đắn. Mang một sản phẩm, dịch vụ chưa hoàn thiện, chưa tốt đến với người tiêu dùng, điều đó sẽ nhanh chóng giết chết job kinh doanh của bạn.

Bài học rút ra: sản phẩm, dịch vụ là cốt lõi của việc kinh doanh. Liên tục tối ưu sản phẩm, dịch vụ và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng, đó chính là cách làm kinh doanh khôn ngoan và bền vững nhất.

Chọn sản phẩm, dịch vụ theo số đông

Đây chính là cách tư duy kinh doanh non nớt nhưng lại rất phổ biến tại Việt Nam. Họ thuộc rất nhiều đối tượng, có thể là trong lúc bí bách với việc đi làm thuê sau bao nhiêu năm vẫn dậm chân tại chỗ muốn tìm đến kinh doanh để thay đổi sự nghiệp, hay những bạn trẻ muốn khẳng định mình, cũng có thể là những nhóm bạn chơi thân muốn lập job kinh doanh làm chung…

Họ thấy quanh khu vực mình sinh sống, làm việc đang có nhiều quán cafe thế là bắt tay mở quán cafe, thấy nhiều quán bia hơi khách nhậu nườm nượp thế là triển khai quán bia hơi, hay thấy dịch vụ giặt là có vẻ phát triển ở khu dân cư đông đúc có nhiều người thuê trọ, thế là quyết tâm làm giặt là…Kết quả của tất cả job theo tư duy kinh doanh số đông này đều có kết quả giống nhau, đó là nhanh chóng dẹp tiệm vì không có khách.

Một dạng khác của tư duy kinh doanh theo số đông là làm theo “trend” (xu hướng). Có một thời khắp Hà Nội đâu đâu cũng thấy mì cay, rồi trà chanh, sau đó đến cafe take away, rồi trà sữa trân châu,…và sẽ còn rất nhiều sản phẩm khác nữa tương tự trong tương lai. Cách làm này là dạng kinh doanh “hớt váng”, không bền vững và phải chấp nhận thay đổi sản phẩm liên tục.

Dù nó mang lại doanh thu, lợi nhuận cho những người kinh doanh nhưng số đó là rất ít. Lợi nhuận chỉ đến với những người nhanh chân nhất, đi đầu xu hướng khi thị trường còn đang “xanh”. Nhưng thị trường rất nhanh chóng nó sẽ chuyển sang “đỏ”, rơi vào tình trạng bão hòa, cung gấp nhiều lần cầu khi có nhiều bên tham gia.

tư duy kinh doanh theo số đông

Chọn sản phẩm, dịch vụ kinh doanh cần bước nghiên cứu thị trường, phân tích, đánh giá trước khi ra quyết định. Bước xem xét kỹ lưỡng ban đầu là bước đi cần thiết và quan trọng để đánh giá tính khả thi của ý tưởng. Ý tưởng thì không đáng một xu, nó có rất nhiều, cái khó khăn và đáng giá là hiện thực hóa ý tưởng thành job kinh doanh ra tiền.

Bài học rút ra: tư duy kinh doanh theo số đông là rất nguy hiểm. Trước khi quyết định sản phẩm, dịch vụ triển khai, cần có bước nghiên cứu thị trường.

>>> Nghiên cứu thị trường là phải làm gì?

Tư duy kinh doanh: người khác làm được thì mình cũng làm được.

Nhiều người bị “ảo tưởng sức mạnh” khi bắt đầu kinh doanh, đặc biệt là những bạn trẻ. Có thể họ đọc ở cuốn sách self help hay nghe từ một ông thầy dạy làm giàu nào đó câu nói truyền cảm hứng rất quen thuộc: Người khác làm được tại sao bạn không làm được?, và họ có niềm tin sắt đá vào điều này, sẵn sàng triển khai những job kinh doanh với độ khó cao để hiện thực hóa hoài bão trở thành tập đoàn, xây dựng hệ sinh thái của riêng mình..vân vân và mây mây.

Với Hải, năng lực của mỗi người là khác nhau nên việc người khác làm được mà mình không làm được là điều rất bình thường, hoặc đôi khi cũng là ngược lại, mình làm được mà người khác không làm được. Hải hiểu rằng, không thể theo đuổi hoài bão xây dựng được những đế chế tỷ đô như Vingroup hay Hòa Phát, nếu cứ cố gắng thì chỉ chuốc lấy thất bại cay đắng và mất đi những cơ hội quý giá khác trong cuộc sống.

Hay đứa bạn cùng lớp ngày xưa học hành không đâu vào đâu vào đâu, học còn kém hơn mình mà sao bây giờ nó đã là doanh nhân thành đạt, còn mình học hành tử tế giỏi giang mà cứ mãi ngụp lặn, câu hỏi này chắc nhiều người cũng đặt ra. Câu trả lời có thể là: khi bạn còn đang mài đít trên ghế giảng đường để học thì bạn của bạn đã lăn lộn trên thương trường hoặc khi bạn còn đang bận chơi game thì họ đang ngày đêm học tiếng anh để chuẩn bị đi du học…

tư duy kinh doanh người khác làm được mình cũng làm được

Chúng ta thường chỉ nhìn thấy thành công của người khác nhưng không nhìn thấy được sự nỗ lực, tư duy kinh doanh nhạy bén, nền tảng kiến thức sâu rộng, khả năng lãnh đạo xuất sắc của họ,…. Vì thế nhiều người vẫn còn đang cho rằng, chỉ cần đủ nỗ lực thì việc gì cũng có thể làm được. Thực tế, nỗ lực không là chưa đủ, nó còn cần nhiều năng lực khác để có thể thành công trong kinh doanh.

Bài học rút ra: tự đánh giá bản thân là điều không dễ nhưng là điều phải làm để không bị huyễn hoặc bản thân. Năng lực mỗi người khác nhau nên kết quả đạt được cũng khác nhau là điều bình thường. Mãi nỗ lực theo đuổi cái không đúng khả năng sẽ chỉ khiến bạn nhận lại thất bại và mất đi những cơ hội quý giá khác.

>>> Sự thật về kinh doanh khởi nghiệp mà không phải ai cũng chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *