KINH DOANH ĐA CẤP BIẾN TƯỚNG – NGÀNH KINH DOANH LÒNG THAM VÀ SỰ THIẾU HIỂU BIẾT

Có một job vừa mới mà lại vừa cũ, doanh thu và lợi nhuận của job này tỉ lệ thuận với lòng tham và sự thiếu hiểu biết của khách hàng. Nói là mới vì cho đến hiện nay, nó đã biến tướng ra nhiều dạng, nhiều chiêu trò khác nhau mà khó có thể kể hết được. Còn nói là cũ vì nó vẫn chỉ dựa trên 2 yếu tố cốt lõi, hay nói cách khác chỉ những khách hàng có lòng tham vô bờ bến hoặc sự thiếu hiểu biết đến mức ngờ nghệch hoặc cả 2, mới là khách hàng tiềm năng của job này. Job này chính là các loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng.

kinh doanh đa cấp biến tướng

Phạm trù kinh doanh ở đây được hiểu là vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp hoặc “lách luật” được một thời gian tương đối dài tính bằng năm. Trong bài viết này, mình không đề cập đến các hình thức lừa đảo vì lừa đảo giỏi lắm vài ngày là bị phát giác rồi.

Lòng tham và sự thiếu hiểu biết tồn tại bên trong mỗi con người, nhưng mức độ lại khác nhau.

Lòng tham ở mức độ phù hợp chính là ý chí phấn đấu vươn lên của mỗi người, nó chính là động lực giúp cuộc sống của mỗi cá nhân tốt đẹp hơn và thúc đẩy sự phát triển của cả xã hội. Mua được xe máy lại muốn đổi ô tô, mua được ô tô lại muốn đổi ô tô to hơn, mua được đất rồi lại muốn xây nhà to đẹp,…vân vân và mây mây, đó chính là lòng tham chứ đâu.

Còn sự thiếu hiểu biết thì rõ ràng hơn. Kiến thức là vô tận, cùng với sự biến đổi nhanh chóng và không ngừng của xã hội, học hết những cái cũ con đang không kịp, để bắt kịp hết cái mới thì chắc chắn là không thể. Mặt khác, mỗi người cũng chỉ hiểu rõ về một hoặc 1 vài lĩnh vực trong cuộc sống, còn trăm nghìn lĩnh vực khác cũng chỉ nắm sơ sơ. Vậy nên không hiểu rõ, thiếu kiến thức về một số lĩnh vực là điều đương nhiên, hay có thể nói đó là sự thiếu hiểu biết.

Lòng tham tồn tại trong mỗi còn người, kinh doanh đa cấp biến tướng dựa vào điều này

Tuy nhiên, mờ mắt trước lợi nhuận khủng gấp vài lần kinh doanh thông thường hoặc chục lần lãi suất ngân hàng; hay không có chuyên môn, kĩ năng gì đặc biệt nhưng lại muốn làm ít hưởng nhiều, luôn giương cao ngọn cờ “tự do tài chính” dù mình vẫn đang chật vật mưu sinh; hay có niềm tin sắt son rằng năng lực của bản thân là vô hạn, chưa làm được nhiều điều lớn lao chẳng qua chưa được khai phá, chưa gặp “đúng thầy đúng thuốc”…thì thật đáng trách. Vì vậy, để không phải trả giá đắt, mỗi người cần xác định mức độ “đủ” của lòng tham và sự thiếu hiểu biết của chính mình.

Bình mới rượu cũ và uống mãi không hết

Vẫn từ lý thuyết cũ: mồi thơm chắc chắn có nhiều cá cắn câu, người lười lao động thì hay tin vào may rủi, đỏ đen và tiềm năng của mình chưa được khám phá hết. Dựa vào lý thuyết này, các chuyên gia thao túng tâm lý đã triển khai đa dạng các dạng thức để bẫy “con mồi”.

Hụi, họ len lỏi từ quê ra phố. Chủ họ là các cá nhân, tự huy động tiền nhàn rỗi của những người xung quanh, rồi lại cho người khác vay, lãi suất chênh lệch chính là lợi nhuận của chủ họ. Lãi suất huy động cực kỳ hấp dẫn khiến nhiều người biết rủi ro cao nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận “trao gửi” tất cả tiền tích lũy của mình cho chủ họ, đôi khi còn gia tăng lợi nhuận bằng cách đi vay hoặc rủ thêm người nhà. Chuỗi vay – cho vay kéo dài khi các mắt xích vẫn đang hoạt động, nghĩa là các chủ họ vẫn trả được lãi đều đặn cho những người cho vay. 

Nhưng theo quy luật, cái gì lợi nhuận cao thì rủi ro cũng cao, nhưng rủi ro nhất chính là việc kinh doanh dạng này chỉ chủ yếu dựa trên yếu tố niềm tin. Khi một trong mắt xích gặp vấn đề, tức là mất khả năng trả nợ thì lập tức cả chuỗi sẽ sụp đổ, lúc này chúng ta thường gọi là vỡ hụi. Lý do vỡ thì có nhiều, nhưng tựu chung lại chỉ có 2 lý do chính đó là: 1 người trong cả chuỗi đó gặp trục trặc trong làm ăn hoặc họ rắp tâm có ý đồ xấu, muốn ôm hết số tiền của các chủ nợ bỏ trốn. Đôi khi để tăng độ tin tưởng của người cho vay, chủ họ thường thể hiện với bề ngoài hào nhoáng xe đẹp, nhà to. Nhưng nhiều khi, xe đẹp nhà to vẫn còn đó mà chủ họ cùng gia đình đã “mất tích” từ lúc nào mà các chủ nợ không hề hay biết.

Khác với hình thức huy động vốn ở trên, kinh doanh đa cấp biến tướng phát triển mạnh mẽ với đa dạng hình thức hơn. Cùng với chiêu bài tự do tài chính, tự chủ thời gian, tôi giàu được tại sao bạn không thể, các công ty đa cấp liên tục dụ dỗ, tuyển dụng, kết nạp thành viên. Điều thú vị ở chỗ, đa cấp biến tướng không có sản phẩm rõ ràng hoặc không chú trọng vào sản phẩm, các thành viên chủ yếu tập trung lôi kéo thêm được càng nhiều người tham gia càng tốt vì những người nhánh trên sẽ được hưởng phần trăm bán hàng của nhánh dưới.

Mỗi thành viên khi tham gia đều phải đăng ký mua một số lượng sản phẩm nhất định (thực phẩm chức năng, đồ gia dụng,…) và tiền người trước nộp vào sẽ làm hoa hồng trả cho người sau, cứ thế mạng lưới phình to, mở rộng không giới hạn. Kheo khéo tài sản, mức thu nhập khủng, tổ chức các sự kiện hoành tráng đôi khi có cả sự tham gia những nhân vật nổi tiếng, những cái ôm thật chặt, những khẩu hiệu mạnh mẽ đầy cảm hứng được hô vang, luôn tâm niệm sứ mệnh cao cả là phát triển đội nhóm…là những điều thường thấy của đa cấp biến tướng. 

kinh doanh đa cấp biến tướng bình mới rượu cũ

Khoảng 5% số người ở mạng lưới kiểu như này, nghĩa là một số ít những người trên đỉnh kim tự tháp là hưởng lợi, còn tất cả phần còn lại đều không thu được gì ngoài đống hàng tồn kho kém chất lượng, cùng khoảng thời gian phí hoài đáng lẽ dành để trải nghiệm, học hỏi những thứ có giá trị. Dù vậy, mạng lưới đa cấp biến tướng người ra người vào vẫn tấp nập như chảy hội.

Một dạng khác cũng phổ biến không kém đó là khóa học làm giàu, khai phá bản thân. Những “chuyên gia”, “thầy giáo” tự phong thường tập trung các “con mồi”  là người lười lao động nhưng muốn giàu nhanh hoặc người đang mất phương hướng trong sự nghiệp, đang cần tìm một điểm tựa tinh thần để bấu víu, lý giải cho sự chưa thành công của mình. Thay vì nỗ lực, kiên trì, thẳng thắn nhìn nhận vào ưu nhược điểm của mình, họ lại tin rằng có những bí mật kinh doanh hay bí kíp khai phá bản thân mà mình chưa được biết và khi nắm được những bí kíp đó rồi thì mình có thể “xoay chuyển càn khôn”. 

Thế là các khóa học được mở ra với sứ mệnh truyền lại các “bí kíp” cho tất cả mọi người, thời lượng khóa học ngắn có, dài có rất đa dạng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Vẫn là những chiều bài thao túng tâm lý đơn giản nhưng rất hiệu quả đó là sử dụng đội ngũ “chìm mồi” đông đảo, xây dựng hình ảnh những học viên cũ giàu có, dùng lớp học mồi miễn phí, nhưng chỉ có các lớp mất phí mới tiết lộ những kiến thức độc nhất vô vị. Tóm lại, họ sẽ gây tò mò và thần thánh hóa các kiến thức trong khóa học, cùng với đó là tiêm nhiễm vào đầu các học viên tư duy “ người khác làm được, tại sao bạn không làm được”.

Nhưng thực tế thì không hề có “bí kíp” nào cả, nội dung các khóa học không có gì mới mẻ, nó là cái mà ai cũng biết, cũng có thể tự tìm kiếm trên internet hoặc các phương tiện khác. Rồi điều gì đến cũng sẽ phải đến, đó là các học viên đã nhai từng lời, nuốt từng chữ của các “thầy” nhưng mãi vẫn chưa giàu, chưa thành công, chưa xoay chuyển được vận mệnh của mình, chỉ có “thầy” là giàu lên nhanh chóng vì thu được những khoản học phí kếch xù.

Dấu hiệu bạn chuẩn bị sập bẫy đa cấp biến tướng hoặc các chuyên gia, thầy giáo tự phong

Bạn sẽ khó có thể nghe được những đánh giá khách quan của những người đã từng “dính bẫy”, đơn giản vì ít ai có đủ can đảm để thừa nhận mình đã sai, đã nhầm lẫn, đã không sáng suốt hay đã quá tham lam, danh dự và cái tôi sẽ ngăn cản họ làm như vậy. Bạn sẽ chỉ được nghe thấy những khía cạnh tích cực từ họ, còn những mặt trái thì họ “ ngậm bồ hòn làm ngọt” nuốt vào trong, chôn chặt và không muốn ai biết đến.

Vậy bạn, tôi và nhiều người khác chấp nhận ngồi yên chờ bị “sập bẫy” sao? Không, chắc chắn là không. “Red flag” – dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm ở đây là:

Thứ nhất, không có “bí kíp” làm giàu nào cả. Bí kíp chỉ là sự thần thánh hóa của các “thầy” và giúp một người duy nhất giàu lên nhanh chóng đó là người bán bí kíp – chính là “thầy”. Người giàu thật sự họ còn đang bận làm việc, không rảnh để đi dạy. Cũng có thể trong những lĩnh vực kinh doanh cụ thể, có những kinh nghiệm quý báu mà những doanh nhân thật sự họ đã đúc kết được, thì họ cũng không có lý do gì để dạy lại cho bạn, mà chỉ dạy lại cho con cháu họ mà thôi.

Thứ hai, kinh doanh mà sản phẩm, dịch vụ không có hoặc không rõ ràng, công việc chính là lôi kéo nhiều thành viên tham gia mạng lưới để hưởng phần trăm từ nhánh dưới; thì đó chính là đa cấp biến tướng. Nếu bạn tham gia thì bạn chỉ đang làm giàu cho đội ngũ sáng lập mạng lưới, còn bạn sẽ chẳng thu được gì ngoài bài học “ tiền mất tật mang”.

dấu hiệu sập bẫy kinh doanh đa cấp biến tướng

Thứ ba, nếu được nghe những khẩu hiệu tự do tài chính, chủ động thời gian, khai phóng bản thân,…từ một ai hoặc tổ chức nào đó, hãy thận trọng vì đây chỉ nên là những mỹ từ truyền cảm hứng chứ không nên để nó định hướng và chi phối cuộc đời của bạn. Chỉ có chăm chỉ học tập, làm việc, nỗ lực từng ngày mới giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thứ tư, người khác làm được mà bạn không làm được hoặc ngược lại, là điều hiển nhiên vì mỗi người có sở trường, tính cách, năng lực khác nhau. Hãy thực tế và tỉnh táo, đừng để bị tiêm nhiễm ảo tưởng rằng mọi điều bạn đều có thể làm nếu bạn đủ nỗ lực. Có việc dù cả đời bạn nỗ lực cũng không mang lại kết quả gì vì bạn đã chọn thứ không phù hợp với năng lực của mình.

Tạm kết

Với mỗi người, để xác định điểm dừng, điểm đủ là không hề đơn giản. Nhưng bạn hãy lưu ý rằng lòng tham quá lớn và sự tự huyễn hoặc về khả năng của bản thân sẽ hại bạn lúc nào mà không hay. Động lực là điều có giá trị cho cuộc sống nhưng ảo tưởng thì lại cực kỳ nguy hiểm. Hãy bình tĩnh, kiên trì, nỗ lực từng ngày để bạn của ngày hôm nay tốt hơn bạn của ngày hôm qua, chắc chắn rồi thành công sẽ đến với bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *