Chủ nghĩa khắc kỷ có thể là một cái tên xa lạ với khá nhiều người nhưng thực chất các triết lý của nó đã được phổ biến và áp dụng rộng rãi trong đời sống thường ngày. Có không ít người còn coi đây như một thứ tín ngưỡng tôn giáo để soi chiếu mọi suy nghĩ, hành động của mình, trong đó có những chủ doanh nghiệp đã đưa chủ nghĩa khắc kỷ áp dụng vào việc vận hành doanh nghiệp của mình.
Mọi tôn giáo, tín ngưỡng có điểm chung là đều hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp, giúp con người dũng cảm, mạnh mẽ hơn khi đối mặt với khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, triết lý của tín ngưỡng đôi khi không phù hợp với mọi hoàn cảnh, đối tượng nên nếu áp dụng khiên cưỡng sẽ làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp mà nó hướng tới. Ở bài viết này, Hải muốn chia sẻ về một góc nhìn khi chủ doanh nghiệp áp dụng triết lý khắc kỷ vào quản trị, quản lý, cụ thể là vận hành doanh nghiệp.
Khái quát về chủ nghĩa khắc kỷ
Khắc kỷ khiến chúng ta liên tưởng đến sự kỷ luật một cách hà khắc, một sự rèn luyện tu dưỡng khổ hạnh. Tuy nhiên, khắc kỷ lại hoàn toàn ngược lại, nó hướng con người có cách tư duy thuận theo tự nhiên, có tâm thế bình thản khi phải đối diện với các gian nan thử thách trong cuộc sống.
Chủ nghĩa khắc kỷ có cái nhìn mạch lạc về thế giới, nó khái quát hóa và chia thế giới thành 3 nhóm đó là : nhóm 1- những thứ bản thân mỗi người có thể kiểm soát, nhóm 2- những thứ bản thân mỗi người chỉ kiểm soát được một phần và nhóm 3 – những thứ bản thân không kiểm soát được. Nhóm 1 chính là hành động, suy nghĩ của mỗi một con người. Nhóm 2 là sự vật, sự việc, mối quan hệ của mỗi người với một đối tượng khác (cá nhân, tổ chức,…) .Và nhóm 3 là suy nghĩ, hành động của một người khác, hiểm họa, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống,…
Triết lý khắc kỷ khuyên để có một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta nên tập trung tâm sức của mình vào nhóm 1, gạt bỏ hẳn nhóm 3 trong suy nghĩ và nên đưa ra những kỳ vọng phù hợp, thực tế ở nhóm 2. Có nghĩa là mọi vấn đề đau khổ, vui vẻ hay hạnh phúc đều do bản thân chúng ta quyết định, khi gặp một vấn đề khó khăn hay một nghịch cảnh, nếu chúng ta có một cái nhìn lạc quan, với tư duy mọi việc đều sẽ có hướng giải quyết thì tâm lý sẽ không bị nặng nề, u uất, tiêu cực, mà thay vào đó là sự hứng khởi, hi vọng về một tương lai tốt đẹp.
Ngược lại, nếu mọi vấn đề luôn nhìn theo hướng rủi ro, đưa ra các tình huống xấu thì tự nhiên chúng ta sẽ có tâm lý tiêu cực, không hạnh phúc với mọi thứ. Với nhóm 3 là những thứ mỗi người không thể kiểm soát đó như suy nghĩ, hành động của người khác, hiểm họa thiên tai bão lũ, tại nạn,…thì nên gạt bỏ hoàn toàn chúng ra khỏi suy nghĩ để tránh gây trạng thái sợ hãi, đau khổ. Vì đã không thể kiểm soát, chúng ta sẽ không thể tác động trực tiếp đến chúng, chúng ta chỉ có thể thông qua hành động của chính mình và mong chờ vào sự chuyển biến của những sự vật, sự việc trong nhóm này.
Đối với nhóm 2, sự vật, sự việc mà chúng ta quyết định được một phần như tham gia trò chơi, làm việc nhóm, đi du lịch hay tham gia một tổ chức,…thì bản thân một mình mỗi người không thể quyết định đến việc thành công hay thất bại mà cần sự đồng lòng của tất cả mọi người, cùng như chịu ảnh hưởng từ những yếu tố khách quan không thể kiểm soát. Ví dụ, đi du lịch nhưng gặp trời mưa bão thì chuyến du lịch có thể nói là đã không thành công, hay làm việc nhóm nhưng có người không hợp tác thì cũng rất khó đi đến đích. Vậy nên chúng ta hãy đặt mức kỳ vọng phù hợp trong khả năng quyết định của mình như cố gắng hết sức, trải nghiệm hết mình, hợp tác hết sức có thể,…còn kết quả chung thì không nên đưa ra làm tiêu chí.
Ứng dụng chủ nghĩa khắc kỷ trong đời sống
Mọi triết lý cần được ứng dụng vào trong cuộc sống để nó thực sự mang lại giá trị và chủ nghĩa khắc kỷ cũng không phải ngoại lệ. Triết lý này cũng đem đến những lời khuyên nhằm giúp mỗi người loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, đồng thời có một tâm thế bình thản kể cả khi phải đối diện với những nghịch cảnh.
Thứ nhất, khắc kỷ khuyên mỗi người nên phớt lờ những thứ “bên ngoài” không thể kiểm soát được mà hãy quan tâm vào hành động và suy nghĩ của bản thân. Chính vì điều này, chúng ta có xu hướng hành động, suy nghĩ theo ý bản năng hoặc quan điểm chủ quan, có thể xa rời với chuẩn mực xã hội. Nó cũng có thể khiến mỗi người không còn đi đúng hướng theo tôn chỉ, cũng như hệ giá trị đã theo đuổi lâu nay.
Vì thế, chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng, mỗi người cần thiết lập bộ quy tắc suy nghĩ, hành động cho riêng mình. Bộ quy tắc này tuân thủ những giá trị tốt đẹp mà bản thân theo đuổi cũng như đảm bảo chuẩn mực của xã hội. Bộ quy tắc này như một kim chỉ nam dẫn đường cho mọi ứng xử của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Thứ hai, để hạnh phúc và luôn có tâm thái an nhiên, mỗi người không nên nghĩ về những thứ chúng ta chưa có mà hãy tưởng tượng bị mất đi những gì đang có. Đây là suy nghĩ giả lập, nó giúp chúng ta trân trọng hơn những gì mình đang có, không bị áp lực bởi những tham vọng, mong muốn, mục tiêu.
Thứ ba, mỗi chúng ta nên yêu quý bản thân hơn và ít quan tâm đến những bình phẩm, nhận xét hay suy nghĩ của người khác về mình. Đây chính là ứng dụng cụ thể của triết lý khắc kỷ, đó là không nên quan tâm đến những thứ bản thân không thể kiểm soát mà hãy dành năng lượng cho những thứ mình có thể kiểm soát được đó là suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mỗi người.
Chỉ khi biết yêu quý bản thân, kiểm soát được cảm xúc, luôn có suy nghĩ tích cực về mọi vấn đề thì chúng ta mới thực sự thấy hạnh phúc. Bản chất hạnh phúc đến từ suy nghĩ của bản thân chứ không đến từ suy nghĩ hay nhận xét của người khác về mình, những thứ bên ngoài chỉ có thể tác động đến chúng ta, còn suy nghĩ, ứng xử như thế nào là hoàn toàn do mỗi người tự quyết định.
Một dẫn chứng thuyết phục cho triết lý này chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể bác cũng chưa đề cập đến chủ nghĩa khắc kỷ, nhưng với tập thơ Nhật ký trong tù, triết lý kiểm soát suy nghĩ bản thân thực sự sáng tỏ. Bị giam trong ngục, bị tra tấn nhưng Bác vẫn coi như mình “tinh thần ở ngoài lao”, có suy nghĩ lạc quan, yêu đời, ngắm nhìn cảnh vật cỏ cây bên ngoài song sắt và dành trọn tâm hồn của mình để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, quên hẳn đi sự tù túng, thiếu thốn, đau đớn về mặt thể xác.
Chính cách tiếp cận này đã giúp Bác vượt qua được mọi khó khăn, luôn tràn đầy năng lượng tích cực để vượt qua nghịch cảnh, kiên định bước tiếp con đường mình đã chọn.
Thứ tư, những khó khăn trong cuộc đời không phải thứ sinh ra để vùi dập chúng ta mà nó là thứ giúp chúng ta rèn giũa bản lĩnh và phát triển năng lực bản thân dù có thể phải thất bại nặng nề. Nếu thấm nhuần triết lý này, chúng ta sẽ có tâm thế chủ động, không sợ hãi khi đối diện với mọi khó khăn. Vì lúc này, khó khăn không còn là điều rủi ro, gây trở ngại mà đã biến thành cơ hội, phần thưởng cho mỗi người để có thể nâng năng lực.
Triết lý khắc kỷ khẳng định, chỉ khi đối mặt với các trở ngại lớn hơn năng lực hiện tại thì mới giúp con người có thể nâng cao khả năng của chính mình. Cũng như một vận động viên, họ phải luôn đưa ra các mục tiêu cao hơn năng lực hiện tại để hướng tới việc đẩy cao giới hạn của bản thân. Chỉ có như vậy mỗi vận động viên mới vươn được tới những đỉnh cao và thúc đẩy nền thể thao phát triển.
Vận hành doanh nghiệp với triết lý khắc kỷ
Trong vận hành doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp cũng áp dụng triệt để các nguyên lý của chủ nghĩa khắc kỷ vào các công việc quản trị. Họ lấy triết lý khắc kỷ để soi chiếu toàn bộ ứng xử, suy nghĩ của mình đối với nhân sự, đối tác và khách hàng.
Đối với cuộc sống cá nhân, chủ nghĩa khắc kỷ khuyên mỗi người nên xác lập một bộ quy tắc ứng xử và tuân thủ nghiêm ngặt nó. Áp dụng vào vận hành doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cũng cần có bộ quy tắc ứng xử trong công việc, nó chính là tiền đề tạo nên giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Tất cả nhân sự trong doanh nghiệp cần có chung định hướng cho mọi ứng xử, để phù hợp với tôn chỉ kinh doanh, tránh việc xung đột do mỗi người hiểu và hành xử theo suy nghĩ cá nhân. Thống nhất được cách ứng xử trong phạm vi công việc chính là ý nghĩa lớn nhất của bộ quy tắc này.
Với triết lý coi trọng những gì mình đang có và ít suy nghĩ về những thứ mình chưa có, điều này tương đối khó khi áp dụng vào vận hành doanh nghiệp. Vì kinh doanh cần luôn hướng về phía trước, đặt ra các mục tiêu mới, nỗ lực để đạt được những thứ mình chưa có. Nếu dừng lại, bằng lòng với những gì mình đã có thì doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị đối thủ vượt qua và bị đào thải khỏi thị trường.
Nói như vậy để thấy rằng, khi vận hành doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần biết cân bằng giữa thành quả và mong muốn. Nếu sớm hài lòng với thành quả đã đạt được thì chính là “tự sát”, nhưng nếu chỉ luôn nghĩ tới các mục tiêu mới cũng có thể khiến toàn bộ đội ngũ mệt mỏi và không có được niềm vui, hạnh phúc trong công việc.
Mỗi người nên tập trung vào thứ mình có thể kiểm soát được là suy nghĩ, hành động của bản thân, và bỏ qua những thứ mình không thể kiểm soát là hành động, suy nghĩ của người khác, đây chính là triết lý tiếp theo mà nhiều nhà quản trị đã áp dụng trong vận hành doanh nghiệp của mình.
Đối với nhân viên trong công ty, chủ doanh nghiệp không đặt nặng các quy tắc để ép buộc cấp dưới làm theo mà bản thân mình chủ động tạo tấm gương tích cực thông qua cách ứng xử, phong cách làm việc hàng ngày. Họ tâm niệm mình cần thay đổi trước và hi vọng nhân viên sẽ tự động thay đổi theo mà không cần sự gò ép nào.
Cách tiếp cận này giúp nhân sự cảm thấy được tôn trọng, nhưng cũng có thể khiến doanh nghiệp không tạo được kỷ luật lao động. Với triết lý này, nhân sự cần sự chủ động, đặc biệt là tính kỷ luật cao, tính cam kết trong công việc. Ngược lại, nếu nhân viên kém chuyên nghiệp thì sẽ khó khăn trong việc thiết lập kỷ luật lao động khi chỉ dựa vào sự tự giác của từng nhân sự.
Cuối cùng là lời khuyên nên có tâm thế chủ động, mạnh mẽ khi đối diện với khó khăn, thay vì bị động và sợ hãi. Là người đứng đầu trong việc vận hành doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp rõ ràng cần thể hiện được bản lĩnh của mình khi đối diện với gian nan, thử thách, vì thế tâm thế bình thản lúc này là điều rất cần thiết. Khó khăn là thứ giúp doanh nghiệp phát triển hơn, giúp từng nhân sự hoàn thiện mình hơn, đây là điều chủ doanh nghiệp luôn tâm niệm và muốn lan tỏa trong toàn bộ máy của mình.
Chủ nghĩa khắc kỷ có giúp bộ máy của doanh nghiệp tự động chạy
Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều hướng tới việc tự động hóa ở mức cao nhất trong việc vận hành doanh nghiệp. Cụ thể là bộ máy có thể tự hoạt động trong vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng khi không có mặt của ông chủ và không cần có sự can thiệp nhiều từ ông chủ. Tự động hóa giúp giải phóng được thời gian, công sức cho chủ doanh nghiệp, dành thời gian cho những việc tầm vĩ mô hoặc quan trọng hơn.
Mặt khác, tự chủ thời gian cũng là mong ước của tất cả những người kinh doanh, đến một lúc nào đó họ muốn dành thời gian để tận hưởng cuộc sống, tận hưởng những thành quả mình đã gặt hái được trong quãng thời gian kinh doanh đã qua. Chứ không bị mãi cuốn vào guồng quay của công việc hay vận hành doanh nghiệp.
Hệ tư tưởng của chủ nghĩa khắc kỷ khá phù hợp với nguyện vọng này của các chủ doanh nghiệp, vì triết lý khắc kỷ đề cao sự tự giác của mỗi người, tập trung vào suy nghĩ và hành động của chính mình chứ không quan tâm nhiều những ý kiến đánh giá hay suy nghĩ của những người xung quanh. Theo đó, cuộc sống hạnh phúc hay hiệu quả công việc cao đến từ chính suy nghĩ của mỗi người chứ không đến từ đánh giá của người khác.
Tuy nhiên, thực tế trong mọi bộ máy, để tự động vận hành doanh nghiệp ở mức cao mà chỉ dựa vào sự tự giác là điều không dễ. Bởi vì, không phải nhân sự nào cũng có tinh thần tự giác cao, biết tự điều chỉnh chính mình để hướng tới mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp không cần dùng đến công cụ quy trình, quy định và hình thức thưởng phạt.
Ông chủ muốn tự động hóa trong việc vận hành doanh nghiệp đều phải có những quy trình liên tục được tối ưu, cần những công cụ kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt để hạn chế tối đa sai sót hay thiếu trách nhiệm ở các vị trí, ngoài ra các công cụ này cũng thúc đẩy sự chủ động, dần nâng cao tính tự giác của nhân viên. Khi bộ máy hoạt động đủ lâu, quy định, quy trình được thực hiện nghiêm túc, điều này giúp nhân sự quen với “nề nếp” và đây chính là tự động vận hành doanh nghiệp.
Nếu chủ doanh nghiệp để nhân sự phát triển tự do, kỳ vọng họ sẽ tự động tuân thủ bộ quy tắc ứng xử chung thì chắc chắn sẽ không thể đạt hiệu quả. Nhân sự sẽ thực hiện công việc và ứng xử theo quan điểm, ý hiểu của mình và phần lớn sẽ không thể tự giác hoàn thành công việc được giao. Vì theo tâm lý con người, ai cũng muốn thoải mái, không bị ràng buộc bởi bất kỳ khuôn khổ nào mà người khác đặt ra.
Tạm kết
Có thể nói, chủ nghĩa khắc kỷ thay đổi nhận thức của con người về hạnh phúc, mong muốn và mục tiêu. Với triết lý khắc kỷ, hạnh phúc đến từ chính suy nghĩ của mỗi người chứ không phải các yếu tố ngoại cảnh hay từ người khác. Trong nghịch cảnh, nếu chúng ta có suy nghĩ lạc quan thì vẫn tìm được những điều tích cực, tốt đẹp. Mong muốn, mục tiêu là những thứ khó kiểm soát vì bản thân mỗi người chỉ có vai trò tác động chứ không có khả năng quyết định hoàn toàn. Chính vì thế, chúng ta chỉ nên đặt những mục tiêu mình có thể chủ động kiểm soát trên chặng đường hướng tới mục tiêu chung dài hạn.
Chủ nghĩa khắc kỷ cũng đề cao tính tự giác, nó nêu cao tinh thần này, khuyến khích mỗi người tự thay đổi, hoàn thiện chính mình thay vì chú tâm đến đánh giá hay áp đặt từ người khác. Tuy nhiên, ở khía cạnh vận hành doanh nghiệp, không thể chỉ kỳ vọng vào tính tự giác của mỗi nhân sự mà vẫn phải có những công cụ kiểm soát, thúc đẩy nhân viên thực hiện theo bộ quy tắc ứng xử chung của doanh nghiệp.
>> Xem thêm: Chủ nghĩa lãng mạn trong khởi nghiệp kinh doanh