Từ khóa “khởi nghiệp kinh doanh” đã thành trở thành từ khóa hot trong những năm trở lại đây. Người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Nhìn khái quát, khởi nghiệp là tốt, không muốn nói là rất tốt vì khi khởi nghiệp chính là lúc mỗi người vượt ra được khỏi “chiếc lồng an toàn” của chính mình, mỗi người cũng cháy với đam mê, tạm gác lại áp lực cơm áo gạo tiền trước mắt.
Chắc bạn cũng đã từng nghe : khởi nghiệp kinh doanh 95% là thất bại. Nhưng tốt hơn hết vẫn là hạn chế được càng ít lần thất bại càng tốt vì thất bại sẽ đi đôi với mất tiền, mất thời gian, mất công sức và đôi khi còn mất thêm nhiều thứ khác nữa. Sau đây sẽ là một vài điều bạn cần biết trước khi khởi nghiệp
Hãy đi làm thuê trước khi khởi nghiệp kinh doanh
Khởi nghiệp kinh doanh là bạn cần tự xây dựng bộ máy hoạt động cho công việc kinh doanh của chính bạn, nếu bạn chưa biết cách quản lý chính mình thì bạn sẽ quản lý công việc của người khác ra sao, chưa nói đến quản lý hoạt động của cả một bộ máy lớn.
Hãy làm quen với áp lực công việc, deadline, những lời phê bình nặng lời của sếp, học hỏi phong cách làm việc chuyên nghiệp từ một ai đó trong công ty hay đơn giản chỉ là cách sử dụng một chiếc máy photocopy, cách viết một email cho khách …Tóm lại, thời gian làm thuê chính là thời gian thực sự quý báu để bạn tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc để chuẩn bị một nền tảng trước khi khởi nghiệp.
Cũng có người sẽ lấy ví dụ về Bill Gate, Mark Zuckerberg khi bỏ dở việc học đại học để khởi nghiệp và đã gây dựng được những đế chế hàng đầu thế giới. Đó là những trường hợp hết sức cá biệt và chúng ta cần sáng suốt nhận định rằng, để làm được như họ là điều không thể. Vậy nên nếu học theo những trường hợp cá biệt này, khả năng thất bại của bạn sẽ không còn là 95% nữa mà có thể sẽ làm 100%.
Có một kế hoạch chi tiết trước khi bấm nút start khởi nghiệp kinh doanh
Có kế hoạch tốt chưa chắc bạn đã thành công, nhưng nếu không có kế hoạch chi tiết chắc chắn bạn sẽ thất bại. Có những kiểu khởi nghiệp kinh doanh tùy hứng, thấy hay, thấy hợp, thấy khả thi trên bàn rượu,…rồi lao vào triển khai với tư duy làm đến đâu hay đến đó hay kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch gì. Đó chỉ là câu chuyện hài hước, còn thực tế nếu không có kế hoạch, mọi thứ sẽ nhanh chóng đổ bể.
Bạn cần chuẩn bị kế hoạch làm gì, với ai, như thế nào,…và đặc biệt là nếu thất bị sẽ như thế nào vì tỷ lệ thất bại là 95% cơ mà. Kế hoạch cũng cần chi tiết hóa trên giấy tờ chứ không chỉ nằm trong đầu bạn. Kế hoạch càng chi tiết bạn sẽ càng chủ động trong chặng đường gian nan sắp tới, không bị rối loạn trước nhiều thay đổi. Nó cũng định hình được hướng đi và tạo sự vững tâm cho đội ngũ đồng hành.
Tất nhiên, không ai có thể giữ đúng 100% kế hoạch mình lập ra khi bắt đầu khởi nghiệp mà kế hoạch sẽ luôn được điều chỉnh sao cho phù hợp hoàn cảnh, điều kiện thực tế. Nhưng điều quan trọng là bạn cần có định hướng để sớm quay lại mục tiêu của mình, cũng giống như người đi rừng cần la bàn để dù đi sai đường ở một số thời điểm, cuối cùng vẫn phải quay lại hướng ban đầu.
Quan trọng hơn, khi điều chỉnh, thay đổi trên một kế hoạch đã có, bạn sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý giá, bằng không bạn sẽ không thu lượm được gì từ những thay đổi đó.
>>> Cách xây dựng một kế hoạch kinh doanh
Khởi nghiệp kinh doanh cần rất nhiều kiến thức, nhưng cần nhất là kiến thức về kinh doanh
Điều này có vẻ khá hiển nhiên vì ai cũng đã nghe, khởi nghiệp kinh doanh thì kiến thức kinh doanh là quan trọng nhất. Nhưng trên thực tế, rất nhiều người khởi nghiệp kinh doanh nhưng kiến thức kinh doanh còn rất non nớt, mơ hồ, điển hình chính là mình. Khi khởi nghiệp lần đầu, job đã nhanh chóng chết yểu vì mình đã chọn một hướng đi quá khó, cần phải giáo dục thị trường trong khi trong tay lại chẳng có gì.
Nhiều người bán hàng nhưng không rõ khách hàng mục tiêu của mình là ai, mà nghĩ đơn giản là bán cho tất cả mọi người, ai có nhu cầu thì bán. Có người lại cho rằng sản phẩm của mình độc nhất vô nhị trên thị trường nên sẽ chỉ cần ung dung đợi khách hàng nườm nượp kéo đến, nhưng trên thực tế đã có nhiều người đi trước làm và họ đã bỏ vì khó. Hay có những người cứ mở cửa hàng offline, bày sản phẩm rồi ngồi đợi khách hàng đến mua, áp dụng cách bán hàng “hữu xạ tự nhiên hương” như hàng trăm năm trước…
Kiến thức kinh doanh cũng là vô tận, không ai có thể nắm bắt được hết, nhưng nó cũng có những điều cơ bản mà mỗi người cần nắm chắc trước khi bắt đầu làm. Nó giúp bạn có định hướng đúng đắn ban đầu và job của bạn sẽ tồn tại không quá ngắn ngủi. Lời khuyên đó là, trước khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh bạn hãy trả lời 3 câu hỏi cơ bản: người tiêu dùng có cần sản phẩm của bạn không, thị trường sản phẩm của bạn có đủ lớn để bạn tồn tại không và bạn có gì để cạnh tranh với đối thủ đang có trên thị trường.
Khi khởi nghiệp kinh doanh, điều kiện tiên quyết là con thuyền chỉ có duy nhất 1 thuyền trưởng
Có rất nhiều sự hợp tác kinh doanh dựa trên mối quan hệ thân thiết, thấu hiểu nhau trước đó như bạn thân, anh em, họ hàng,…cùng góp tiền và cùng điều hành công việc, nhưng kết quả là nhanh chóng “ chia hành lý”, đường ai nấy đi. Vì sao?
Đơn giản vì ai bỏ tiền ra cũng muốn có tiếng nói khi điều hành dù là ít tiền, mà quan điểm bất đồng là điều đương nhiên sẽ xảy ra, khi bất đồng về quan điểm tích lũy đủ lớn thì việc “chia tay” là điều không thể tránh khỏi. Để tránh vết xe đổ này, bạn hãy tách bạch giữa việc góp vốn và điều hành. Khi điều hành thì chỉ có 1 người ra quyết định cuối cùng. Và tốt nhất là hãy khởi nghiệp kinh doanh một mình, không chung vốn với ai, đội ngũ của bạn vẫn cần nhưng chỉ là người làm thuê.
Chưa rõ con thuyền có đi đúng hướng hay đến đích được hay không, nhưng nếu thuyền có 2 người điều khiển thì chắc chắn sẽ khó mà di chuyển được. Để đến đích, trong một khoảng thời gian nhất định, cả đội ngũ không còn cách nào khác là phải tin tưởng vào thuyền trưởng và ủng hộ các quyết định của người này.
Đừng dùng 99% khả năng của mình có cho job khởi nghiệp kinh doanh, mà hãy dùng 200%
Câu chuyện “chân trong chân ngoài” khi khởi nghiệp kinh doanh là câu chuyện không hiếm gặp vì tư duy an toàn, đảm bảo chắc chắn. Nhưng điều này không hề chắc chắn mà nó lại thành “xôi hỏng bỏng không” : việc làm thuê – đang mang đến thu nhập chính hiện tại và job khởi nghiệp – mang đến thu nhập chính trong tương lai, đều hỏng.
Với công việc chính hiện tại. Sự mất tập trung, sao nhãng trong công việc của bạn sẽ nhanh chóng bị nhận ra, lúc đó họ sẽ nhanh chóng bị sếp để ý và đưa vào đối tượng cắt giảm nhân sự bất cứ lúc nào. Dù không bị nghỉ việc, họ đã để một ấn tượng xấu khó xóa bỏ trong mắt sếp.
Với job khởi nghiệp kinh doanh. Đúng ra việc họ cần làm là trăn trở với nó để tìm kiếm và giữ chân khách hàng, cùng hàng trăm công việc vận hành khác. Nhưng họ lại làm à ơi, để nó ở tình trạng “xác sống” mà vẫn có nguồn thu, không những thế còn hi vọng nó còn phát triển. Cũng có người chọn phương án thuê toàn bộ người vận hành, kể cả CEO với triết lý “nếu ta không làm được thì đi thuê”. Dồn hết tâm sức còn chưa ăn thua chứ không có chuyện “làm chơi ăn thật” khi khởi nghiệp, còn thuê vận hành chẳng khác nào thuê người viết kế hoạch kinh doanh, mang tiền mình cho người khác đốt hộ.
Kinh doanh vốn là thứ rủi ro, bạn hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình nếu đã quyết định khởi nghiệp kinh doanh. Hãy làm đến nơi đến chốn để nếu có thất bại bạn cũng không có gì hối tiếc và quan trọng hơn là chỉ có sống chết, trăn trở với nó bạn mới có cơ hội thành công.
Mục tiêu đầu tiên và bắt buộc của khởi nghiệp kinh doanh là sống sót chứ không phải là mang đến hạnh phúc cho nhân loại
Nếu bạn khởi nghiệp kinh doanh đơn giản vì sở thích và không cần quan tâm đến tiền bạc thì những điều dưới đây bạn không cần đọc. Còn nếu như phần đông mọi người thì mục tiêu sống còn chắc chắn phải là sống sót. Khi bắt đầu, đừng nghĩ to tát, sứ mệnh tầm nhìn hay trách nhiệm xã hội lúc này chỉ là sáo rỗng, job của bạn phải sống thì mới có thể nghĩ đến những thứ khác.
Hãy nghĩ cách để có đơn hàng đầu tiên, 10 đơn hàng đầu tiên, 100 đơn đầu tiên, sống sót qua 1-3 năm đầu tiên…đó là những mục tiêu thiết thực và nên làm khi bắt đầu. Chỉ khi có khách hàng, có doanh thu, lợi nhuận bạn và đội ngũ của bạn mới có thể duy trì cuộc sống mới có động lực để bước tiếp và quan trọng nhất là cách kiểm chứng chính xác tính khả thi của job khởi nghiệp kinh doanh.
Có 1 câu kinh điển khi khởi nghiệp đó là: hãy nghĩ lớn nhưng làm từ việc nhỏ, hãy bắt đầu từ những mục tiêu cơ bản nhất, đây là điều cuối cùng Hải muốn chia sẻ.
>>> Những sai lầm khi khởi nghiệp kinh doanh, nhất định phải tránh