Nhân viên tách ra làm riêng sau khi đã “đủ lông đủ cánh” và cạnh tranh trực tiếp với công ty cũ của mình, là một câu chuyện không mới trên thương trường. Có thể nói, đây là cách thức khởi nghiệp ít rủi ro nhất, cơ hội thành công cao nhất, do đó được đa số nhân viên có tham vọng lựa chọn. Tuy nhiên, việc tách ra và cạnh tranh trực tiếp với sếp cũ của mình vẫn còn nhiều góc nhìn trái chiều: nên hay không, tốt hay xấu, biết ơn hay vô ơn,…
Với bài viết này, Hải muốn chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này, một vấn đề nóng mà các nhân viên đa số đều nghĩ tới, cũng như các ông chủ thường trực phải đối mặt.
Lý do nhân viên tách ra làm riêng
Ai cũng đều có nhu cầu thể hiện bản thân và được tự do một cách thực sự, đây có lẽ là lý do sâu xa, cốt lõi khiến nhân viên tách ra làm riêng. Lý do này thường được biểu hiện dưới hình thức nhân sự đã có đủ kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ và tách ra làm riêng. Ngoài lý do cốt lõi này, cũng có thêm một lý do “bổ trợ” khác, khiến quyết tâm ra làm riêng của nhân viên càng được thêm củng cố và quyết định ra đi nhanh chóng hơn.
Lý do đầu tiên là quan điểm quản trị, quản lý của ông chủ và nhân sự chủ chốt trở nên khác xa nhau, không thể tìm được điểm chung. Đây là một hiện tượng không hiếm gặp trong kinh doanh, khi khởi sự mọi người đồng lòng chung sức nhìn về một hướng, nhưng khi có được thành tựu, hướng nhìn của các thành viên sáng lập bắt đầu khác nhau và càng ngày càng bị nới rộng. Lúc này, việc nhân viên tách ra làm riêng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Lý do thứ hai là lợi ích không được chia sẻ hợp lý cho nhân viên. Ông chủ thường có xu hướng tối đa hóa lợi nhuận nên các nhân sự cấp dưới nhận về một mức thu nhập không xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Đây cũng là một động lực để nhân viên tách ra làm riêng khi đã nắm được cách vận hành cũng như một số lượng khách hàng nhất định của công ty.
Lý do thứ ba là nhân sự chủ định vào doanh nghiệp để học hỏi, nắm bắt quy trình, tệp khách hàng sau đó tách ra làm riêng. Không ít nhân viên đã có sẵn mục tiêu khi bắt đầu bước vào doanh nghiệp, họ chủ động học hỏi không chỉ những thứ nằm trong việc chuyên môn họ được giao mà còn nhiều thứ khác bên ngoài, đặc biệt là cách thức vận hành của doanh nghiệp. Sau một thời gian, với những thứ đã nắm bắt được họ chủ động tách ra làm riêng và sẽ là một đối thủ của doanh nghiệp cũ.
Góc nhìn từ phía ông chủ
Có thể khẳng định rằng, không ông chủ nào thực sự vui vẻ khi nhân viên tách ra làm riêng, lại là một đối thủ trước mắt của mình. Nhân sự này đã ít nhiều nắm được điểm mạnh yếu, tệp khách hàng của doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ là một đối thủ “nguy hiểm” của công ty cũ. Và hơn ai hết, ông chủ hiểu rất rõ điều này, do đó sự khó chịu, bực tức khi sự việc này xảy ra cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, dù không vui nhưng cách thể hiện của mỗi ông chủ sẽ khác nhau. Có người sẽ thể hiện đúng tâm trạng bực tức của mình, nhưng có người lại tỏ ra cao thượng khi chúc mừng nhân sự cũ dù trong lòng không mấy dễ chịu. Đa số, kết quả của cuộc chia tay này là ông chủ và nhân viên tách ra làm riêng không nhìn mặt nhau nữa, trở thành đối thủ theo đúng nghĩa. Cũng có một số trường hợp ông chủ cũ và nhân viên vẫn có thể hợp tác với nhau sau khi tách ra làm riêng, tuy nhiên con số này là rất ít.
Không những tách ra làm riêng, đa số các trường hợp nhân viên còn lôi kéo các nhân sự của công ty cũ theo mình về chỗ mới. Đây chính là việc rút nguồn lực của công ty cũ để xây dựng doanh nghiệp mới của mình, hay nói một cách thẳng thắn hơn là đang phá hoại công ty cũ. Rõ ràng hành động này là khó chấp nhận nhìn trên phương diện đạo đức kinh doanh lẫn đạo đức làm người.
Thế nhưng, việc lôi kéo vẫn thường xuyên xảy ra, được biện minh bằng nhiều lý do. Nhưng lý do cốt lõi và sâu xa vẫn là muốn có được những nhân sự tốt, làm việc đã ăn ý, để xây dựng đế chế của riêng mình. Trên thực tế, đạo đức kinh doanh là điều cũng rất quan trọng, nó tạo uy tín cho doanh nhân trên thương trường cũng như trong mắt các cộng sự. Nếu chỉ vì lợi ích trước mắt mà họ bất chấp vượt qua “lằn ranh” này, chắc chắn nhân viên tách ra làm riêng sẽ mất mát không nhỏ trong tương lai.
Cách phòng tránh nhân viên tách ra làm riêng
Việc nhân viên tách ra làm riêng rõ ràng là điều không hề mong muốn của chủ doanh nghiệp, nhưng việc này là việc có nhiều khả năng xảy ra và doanh nghiệp chắc chắn phải đối mặt thường trực. Vì lý do này, các ông chủ hãy sẵn sàng đón nhận việc nhân viên tách ra làm riêng với tâm thế chủ động, cần có phương án phòng tránh, hạn chế tối đa thiệt hại khi điều này xảy ra.
Cách mà các ông chủ hay sử dụng để hạn chế việc nhân viên tách ra làm riêng, đó là chia nhỏ công việc cho từng người, từng bộ phận phụ trách. Không nhân sự nào nắm toàn bộ các khâu trong cả bộ máy, ngoại trừ ông chủ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vận hành theo hướng chuyên môn hóa, khiến các bộ phận trở thành các module trong một bộ máy lớn.
Tách ra thành từng phần công việc là một giải pháp đơn giản nhưng khá hiệu quả trong việc phòng tránh nhân viên tách ra làm riêng. Với cách làm này, nhân sự sẽ khó nắm bắt quy trình hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp, hoặc muốn biết cũng khó khăn hơn nhiều. Thêm vào đó, việc này cũng hạn chế nhân sự nắm được nhiều bí mật kinh doanh và sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu nhân sự sẽ cạnh tranh trực tiếp với công ty cũ trong tương lai.
Tin tưởng vẫn là điều cần thiết trong mối quan hệ giữa nhân sự và chủ doanh nghiệp, nhưng để bảo vệ lợi ích của chính mình, doanh nghiệp cũng cần có sự đề phòng cần thiết đối với những người đang có ý định trở thành đối thủ của công ty cũ.
Dù ra đi, nhân sự cũng cần giữ phong cách chuyên nghiệp
Như đã phân tích ở phần đầu, hầu như ai cũng có tham vọng muốn có được cái của riêng mình dù họ có yêu quý, tôn trọng, biết ơn ông chủ đến đâu. Khi “đủ lông đủ cánh”, tích lũy đủ các yếu tố cần thiết, những nhân sự có năng lực tất sẽ nghĩ đến việc tách ra làm riêng. Chính vì thế, các ông chủ sáng suốt cần chuẩn bị kịch bản, sẽ đến ngày nhân viên tách ra làm riêng, đặc biệt là những người giỏi.
Khi có tâm lý chủ động như vậy, ông chủ sẽ không còn bị sốc hay cảm thấy cay cú khi bỗng một ngày nhân viên tách ra làm riêng. Ngược lại, họ coi việc này là điều tất yếu xảy ra đối với những nhân sự có năng lực, nhưng làm sao khi nhân sự ra đi mà bộ máy gặp ít xáo trộn nhất – đây chính là điều mà các ông chủ nên hướng tới.
Tuy nhiên, khi nhân viên tách ra làm riêng, cách ra đi của nhân sự cũng là một điều đáng bàn vì nó phản ánh cách hành xử cũng như tình trạng mối quan hệ đôi bên. Người ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu, 2 bên vẫn dành sự tôn trọng cho nhau, đó là điều đáng quý. Mặt khác, ra đi trong tâm thế trốn chạy, trở mặt, thù hận, có hành động gây tổn hại đến nơi cũ, chính là điều không nên.
Cách hành xử sẽ phản ánh con người bạn, nó cũng quyết định đến chất lượng các mối quan hệ của bạn sau này. Vì thế, nếu có tách ra làm riêng, có những vấn đề chưa hài lòng về nơi cũ, thì hãy vẫn giữ sự tôn trọng cho nhau, để chúng ta không mất đi một đối tác. Ngược lại, khi ra đi, đôi bên làm tổn hại cho nhau thì trong cuộc sống, cũng như trên thương trường chúng ta không những mất đi một đối tác mà đã thêm một kẻ thù.
>> Xem thêm : Nên chọn làm chủ hay làm thuê?
Tạm kết
Nhân viên tách ra làm riêng là một câu chuyện không mới, nhưng mối quan hệ và cách hành xử của các bên trong tình huống này vẫn là điều khiến mọi người phải suy ngẫm. Có một điều khẳng định, khi đã chia tay phía ông chủ hoặc nhân sự đều có những điều không hài lòng về nhau hoặc cả hai. Nhưng không hài lòng, không đồng nghĩa với việc không tôn trọng nhau, ngược lại sau khi chia tay hai bên vẫn giữ được mối quan hệ đối tác mới là điều đáng quý và nên làm.
Muốn như vậy, chủ doanh nghiệp cần có tâm thế chủ động trong việc nhân viên tách ra làm riêng, đồng thời có thể là đối thủ trực tiếp trong tương lai, đặc biệt đối với những nhân sự có năng lực. Ở chiều ngược lại, nhân sự nên có ứng xử “đẹp” khi ra đi, đó là cố gắng hoàn thành gọn gàng các nhiệm vụ còn đang dang dở, không gây tổn hại cho công ty cũ và giữ mối quan hệ hợp tác với các nhân sự ở nơi cũ. Có một sự nghiệp của riêng mình là một nhu cầu chính đáng của mỗi người, luôn giữ tinh thần chính trực và phong cách chuyên nghiệp chính là chìa khóa để biến việc tách ra làm riêng trở thành một hành động không phản cảm trong mắt mọi người.