MÔ HÌNH NHƯỢNG QUYỀN CÓ PHẢI GIẢI PHÁP TỐI ƯU CHO KINH DOANH KHỞI NGHIỆP?

Tại Việt Nam, mô hình nhượng quyền khá phát triển trong những năm gần đây với rất nhiều ưu điểm. Đặc biệt, nó được nhiều người khởi nghiệp kinh doanh chọn vì rủi ro thấp khi đã “sẵn nong sẵn né” mà không cần bỏ công sức để xây dựng một thương hiệu mới hoàn toàn. Trong cuốn sách khá nổi tiếng : Để xây dựng doanh nghiệp hiệu quả, của Michael E. Gerber cũng nhận định mô hình nhượng quyền là một giải pháp để phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. 

mô hình nhượng quyền

Cuốn sách đưa ra một khái niệm khá mới mẻ đó là cuộc cách mạng chìa khóa trao tay, cuộc cách mạng giúp công việc kinh doanh vốn phức tạp, khó khăn trở nên rất đơn giản – những doanh nhân lúc này chỉ cần nhận chìa khóa và xoay. Hải cho rằng, cuốn sách đã “thần thành hóa” mô hình nhượng quyền, nó thực sự không ưu việt đến như vậy, hãy phân tích cùng Hải nhé.

Mô hình nhượng quyền là gì?

Định nghĩa về nhượng quyền thương hiệu và phân loại các dạng nhượng quyền có rất nhiều trên internet nên Hải xin phép không nhắc lại. Hải chỉ nhắc lại bản chất của mô hình nhượng quyền, đó là bên nhận nhượng quyền (hay còn gọi là mua nhượng quyền) kinh doanh bằng thương hiệu hoặc cả quy trình vận hành của bên nhượng quyền (hay còn gọi là bên bán nhượng quyền).

Hiện nay, các bên chủ yếu dùng mô hình nhượng quyền cả quy trình vận hành vì bên nhận nhượng quyền dễ dàng triển khai, còn bên nhượng quyền có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu. Theo Hải, ưu điểm lớn nhất của mô hình nhượng quyền là khắc phục được vấn đề không có hoặc ít kinh nghiệm của người làm kinh doanh, đặc biệt là những người khởi nghiệp.

mô hình nhượng quyền là gì

Kinh nghiệm chính là rào cản lớn nhất của những người bắt đầu bước vào con đường kinh doanh. Và mô hình nhượng quyền sẽ giải quyết vấn đề này. Thương hiệu đã có uy tín nhất định trên thị trường, đã có lượng khách hàng tương đối tốt và quan trọng đã có quy trình vận hành bài bản với tiêu chuẩn về từng vị trí, từng sản phẩm. Bạn chỉ cần bê nguyên quy trình đó về, thay thế con người vận hành của bạn, bấm nút start và về cơ bản sẽ đảm bảo sinh lời. Nhưng…

Mô hình nhượng quyền chỉ phù hợp với một số ít ngành

Các thương hiệu đồ uống The Coffee House, Phúc Long, Highland Coffee,…hay các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini như Circle K, Win Mart, GS25, Ministop,…phát triển mạnh mô hình nhượng quyền trong những năm gần đây. Họ làm thương hiệu, nhanh chóng hoàn thiện, đóng gói quy trình rồi mở rộng kinh doanh bằng cách phát triển chuỗi nhượng quyền. Sản phẩm, không gian trải nghiệm của những ngành hàng này không khó để sao chép và nhân bản, đây chính là mấu chốt của mô hình nhượng quyền.

Như vậy, mô hình nhượng quyền chỉ có thể triển khai được với những ngành có thể “đóng gói được quy trình vận hành”, không thể triển khai ở mọi ngành nghề. Vì thế, dễ thấy ngành FnB (Food and Beverage – Đồ ăn uống) và ngành FMCG (Fast Moving Consumer Goods – sản phẩm thiết yếu, tiêu thụ nhanh) là các ngành có các cửa hàng nhượng quyền chiếm đa số trên thị trường. 

mô hình nhượng quyền chỉ phù hợp với một số ít ngành

Trong mô hình nhượng quyền, bên nhượng quyền sẽ bán mô hình kinh doanh chứ không phải bán sản phẩm, dịch vụ nữa. Chính vì thế, bên nhượng quyền cần “đóng gói” được quy trình vận hành của mình, để có thể dễ dàng chuyển giao cho các bên nhận nhượng quyền. Nghĩa là, lúc này thứ đáng giá nhất mà bên mua phải trả tiền chính là quy trình vận hành, con người đã không còn quan trọng. Trong quy trình vận hành, chỉ cần những người có kinh nghiệm, kĩ năng tối thiểu cũng có thể thực hiện được, sản phẩm dịch vụ đến với khách hàng không phụ thuộc vào trình độ của nhân sự nữa.

Sản phẩm, dịch vụ chưa tốt thì chưa nên nghĩ tới mô hình nhượng quyền

Đứng trên phương diện của người mua nhượng quyền, bạn luôn muốn hợp tác với thương hiệu có uy tín để có thể mang lại lượng khách hàng lớn, qua đó mang về doanh thu, lợi nhuận cao. Thế nên, đánh giá thương hiệu, lịch sử kinh doanh của thương hiệu nhượng quyền là việc cực kỳ quan trọng. Bên nhượng quyền cần phải đưa ra các báo cáo chi tiết về khách hàng, doanh thu, lợi nhuận mà 1 cửa hàng có thể kiếm được, cho bên mua nhượng quyền nghiên cứu.

Mặt khác, bạn cần đến vài cửa hàng đã nhượng quyền để có trải nghiệm thực tế nhất về sản phẩm, dịch vụ, không gian và lưu lượng khách hàng, chứ không chỉ nhìn trên báo cáo của bên nhượng quyền. Thực tế, nhiều bên nhượng quyền đã tạo hồ sơ lịch sử kinh doanh rất đẹp để che mắt bên mua, nhưng với tư duy nóng vội “nay bàn mai làm” của nhiều người, sự đánh giá quá sơ sài đã khiến họ phải ôm trái đắng thua lỗ.

sản phẩm chưa tốt thì chưa nên triển khai mô hình nhượng quyền

Sản phẩm, dịch vụ vẫn là cốt lõi của kinh doanh. Bên nhượng quyền bán cho bạn quy trình vận hành cho bạn, nhưng bạn bán cho khách hàng sản phẩm. Nếu sản phẩm, dịch vụ chưa ổn thì cửa hàng nhượng quyền của bạn sẽ sớm đóng cửa. Vì thế khi mua nhượng quyền đừng dành hết sự quan tâm của mình vào quy trình vận hành, quy mô của chuỗi, mà hãy dành tâm sức để đánh giá tiềm năng của sản phẩm đối với thị trường.

Khó giữ được chất lượng đồng đều trong mô hình nhượng quyền

Ở mô hình nhượng quyền, dù công việc vận hành đã được đóng gói với một quy trình chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đầu ra cũng có quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, tuy nhiên việc giữ được chất lượng sản phẩm, dịch vụ đồng đều ở mọi cửa hàng nhượng quyền là điều rất khó khăn.

Yếu tố con người vẫn ảnh hưởng nhất định đến chất lượng sản phẩm và đặc biệt là trải nghiệm của khách hàng khi đến với một cửa hàng. Mà con người là khác nhau giữa các cửa hàng trong chuỗi, dẫn đến trải nghiệm sẽ không thể giống nhau. Điều này khiến sự so sánh của khách hàng và cạnh tranh gay gắt giữa các cửa hàng trong cùng chuỗi.

Vì thế, với những thương hiệu muốn giữ được sự khác biệt, giữ được cái “chất” của riêng mình thì họ sẽ không chọn phương án nhượng quyền mà họ sẽ toàn quyền kiểm soát từng cửa hàng mở ra. Điển hình là câu chuyện của thương hiệu cafe hình mỹ nhân ngư Starbucks nổi tiếng thế giới. 

muốn giữ nét riêng thì không làm mô hình nhượng quyền

Đã có lịch sử phát triển trên 100 năm, nhưng họ đã không đi theo xu thế nhượng quyền của ngành hàng F&B mà họ vẫn nắm quyền kiểm soát hoàn toàn tất cả các cửa hàng của họ. Có thể nhiều người nói Starbucks bảo thủ, không biết tận dụng cơ hội kinh doanh nhưng Starbucks có triết lý riêng của mình, đó là mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất, mang đến giá trị văn hóa trong từng ly cafe chứ không phải bán một loại đồ uống thuần túy. Đây là điều Hải thấy rất tâm đắc và đồng tình với Starbucks, chọn đi chậm nhưng mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng bằng cách kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành, thay vì chọn hướng đi nhanh, mở rộng thương hiệu bằng mô hình nhượng quyền.

Mua nhượng quyền nghĩa là bạn không có gì hết, ngoài kiếm tiền

Ý nghĩa của việc kinh doanh đôi khi không chỉ nằm ở khía cạnh kiếm tiền mà đôi khi nó còn có ý nghĩa lớn lao hơn đó là xây dựng được thương hiệu cho riêng mình, không phụ thuộc vào ai khác. Nếu nhìn ở khía cạnh này thì mô hình nhượng quyền sẽ không thể đáp ứng được. Vì ở đây, bạn đang đi thuê một thương hiệu của người khác để kinh doanh và phải trả phí để thuê thương hiệu, quy trình vận hành đó trong một khoảng thời gian nào đó.

Bạn sẽ phải tuân thủ nhiều quy định về nhận diện thương hiệu và quy trình vận hành của bên nhượng quyền, tóm lại bên nhượng quyền đưa cho bạn thuê một chiếc xe, bạn chỉ cần cắm chìa khóa vào nổ máy và đi, còn chiếc xe đó bạn không có quyền thay đổi bất cứ bộ phận nào. 

Bạn chỉ có thể bán hàng khi khách hàng đến, bạn cũng không được phép và không biết cách làm thế nào để khách hàng đến nhiều hơn. Tất cả công tác xây dựng thương hiệu, tiếp thị đều do bên nhượng quyền thực hiện. Và sự hợp tác giữa bạn và bên bên nhượng quyền có được bền chặt hay không, đi được bao xa, chủ yếu do bên nhượng quyền quyết định, bạn thường nằm ở thế bị động.

làm mô hình nhượng quyền là không có thương hiệu của riêng mình

Để bù đắp việc thiếu kinh nghiệm, nhiều người chọn mô hình nhượng quyền, nhưng rõ ràng nó tẻ nhạt và ít thử thách hơn rất nhiều so với việc bạn tự xây dựng một thương hiệu riêng của mình. Có thể việc xây dựng thương hiệu riêng sẽ khó khăn, gian khổ và rủi ro hơn rất nhiều so với việc mua nhượng quyền, nhưng nó sẽ mang đến trải nghiệm tuyệt vời, cùng với đó là kinh nghiệm dày dặn về thương trường – điều sẽ giúp ích không nhỏ cho bạn ở các job kinh doanh sau này.

Với tất cả những lý do trên, bạn hãy cân nhắc kĩ lưỡng khi chọn mô hình nhượng quyền để khởi nghiệp kinh doanh. Nó có thể là một giải pháp kinh doanh, nhưng chắc chắn nó không phải là một giải pháp tối ưu cho những người mong muốn được làm chủ vận mệnh của chính mình.

>>> Làm gì để xây dựng một thương hiệu cho riêng mình?

1 thoughts on “MÔ HÌNH NHƯỢNG QUYỀN CÓ PHẢI GIẢI PHÁP TỐI ƯU CHO KINH DOANH KHỞI NGHIỆP?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *