Mất phương hướng về sự nghiệp là trạng thái nhiều người gặp phải ở độ tuổi 35-45. Khi đã bước vào giai đoạn trung niên, đáng lẽ sự nghiệp của bạn đang bước vào “độ chín”, đang trên con đường thăng tiến. Tuy nhiên, thực tế nó lại đang khá lận đận, chưa đâu vào đâu hoặc rơi vào tình trạng “giậm chân tại chỗ”.
Vì sao sự nghiệp của mình cứ mãi lận đận? Bạn vẫn đang trăn trở vì câu hỏi này, để có thể tìm ra nguyên nhân và xác định lại phương hướng cho chính mình. Bạn hiểu rằng, chỉ khi tìm đúng nguyên nhân mới có thể tìm ra đúng giải pháp cho con đường phía trước. Nhưng đôi khi người trong cuộc không nhìn ra, hoặc bạn không muốn đối diện với sự thật, đối diện với tư duy chưa đúng của mình để nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề.
Nếu bạn đang ở tình trạng này, có thể Hải sẽ giúp bạn được phần nào, còn nếu không bạn hãy bỏ qua những dòng dưới đây nhé.
Suy nghĩ bay bổng, thiếu thực tế
Luôn tìm kiếm công việc mình thích, mình đam mê chứ không quan tâm đến việc đó có mang lại giá trị, mang lại thu nhập tốt cho mình hay không. Muốn hạnh phúc trong công việc, mỗi ngày đi làm là một ngày vui, chứ không phải là chấp nhận, cố gắng yêu công việc đang tạo ra thu nhập tốt hiện tại. Đây chính là đại diện cho suy nghĩ thiếu thực tế của không ít người, nó sẽ khiến sự nghiệp mãi chỉ như những “trò chơi” để thỏa mãn đam mê của bạn.
Ai cũng mong muốn tìm được công việc mình vừa yêu thích, vừa tạo ra thu nhập tốt. Tuy nhiên, không phải lúc nào 2 vế của mệnh đề này cũng đồng thời xảy ra, bắt buộc bạn phải lựa chọn 1 trong 2. Thông thường, việc mình yêu thích thì thường không tạo ra nhiều giá trị, còn việc mình ghét lại là việc tạo ra giá trị và thu nhập tốt. Lúc này bạn cần suy nghĩ chín chắn và thực tế để quyết định nên chọn công việc nào.
>>> Chọn việc yêu thích hay việc kiếm nhiều tiền?
Cái tôi quá lớn, khó chấp nhận làm thuê
Không quan trọng làm thuê hay làm chủ mà quan trọng là công việc nào mang lại giá trị nhiều hơn và phù hợp hơn, tuy nhiên, ở mỗi công việc lại có đặc thù khác nhau. Khi làm chủ, bạn được toàn quyền quyết định mọi thứ, theo thế giới quan của mình và tất nhiên bạn cũng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những quyết định đó. Còn khi làm thuê, có thể bạn vẫn được nêu ý kiến nhưng người quyết định không phải là bạn, sẽ có nhiều lúc bạn cần phải có thái độ “tuân lệnh” khi sếp đưa ra quyết định trái ngược với ý kiến của bạn.
Tuy nhiên, không ít người đã không xác định được vai trò của mình, đi làm thuê nhưng lại muốn có quyền như làm chủ. Khó chịu, tỏ thái độ chống đối khi sếp quyết định khác mình, điều đó thể hiện cái tôi đang quá lớn, sẽ rất khó có thể hợp tác trong công việc. Với thái độ này, chắc chắn bạn sẽ là cái gai trong mắt sếp và sẽ dẫn đến việc thay đổi hết môi trường này đến môi trường khác mà vẫn chưa tìm được bến đỗ. Đây chính là nguyên nhân sự nghiệp của bạn mãi thăng trầm, không thể phát triển.
Không sẵn sàng thay đổi, tiếp thu cái mới khiến sự nghiệp khó phát triển
Xã hội luôn thay đổi không ngừng, nên tiếp thu cái mới gần như là yêu cầu bắt buộc trong mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của đời sống. Các cụ già về hưu trước nay chỉ quen xếp hàng nhận lương hưu nhưng nay đã phải làm quen với nhận tiền qua chuyển khoản, hay nỗi lo mất việc hàng loạt ở mọi ngành nghề khi trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng rộng rãi, hay các hãng xe ô tô có tuổi đời hàng trăm năm đang mất thị phần vào những công ty sản xuất xe điện non trẻ…
Đây là một vài ví dụ điển hình, nó cho thấy việc chủ động tiếp thu những cái mới sẽ ảnh hưởng như nào đến sự nghiệp của mỗi người. Nếu bạn chỉ làm việc với kiến thức, lối món hàng chục năm trước mà không chịu cập nhật những tư duy, cách làm hay công cụ mới thì chắc chắn bạn sẽ sớm bị đào thải khỏi thị trường lao động. Hoặc cho rằng mình đã già, đã quá tuổi để cập nhật xu thế mới cũng sẽ là một rào cản làm bạn giậm chân tại chỗ trong sự nghiệp và bị các đồng nghiệp khác bỏ lại phía sau.
Trong thời đại ngày nay, cần xác định việc cập nhật, học tập và tiếp nhận cái mới là điều phải làm với tất cả mọi người dù ở độ tuổi hay cương vị nào.
Không đánh giá đúng mình khiến sự nghiệp mãi lận đận
Ai cũng cần mục tiêu để hướng về phía trước, lấy đó làm động lực nỗ lực và phấn đấu. Nhưng mục tiêu viển vông, thiếu thực tế sẽ khiến người ta mãi chỉ thất bại. Bạn cần nhìn vào thực tế rằng, khả năng của mỗi người là khác nhau, chúng không vô hạn. Có những việc bạn có thể làm, người khác thì không hoặc ngược lại. Nỗ lực không có thể là chưa đủ, cần có năng lực, sự nhạy bén và nhiều yếu tố khác nữa để hoàn thành được một mục tiêu lớn.
Hải thấy rằng, nhiều người đang có suy nghĩ: người khác làm được thì mình cũng làm được, không gì là không thể, hay đứa bạn mình học hành ngày xưa chả đến đâu mà giờ khá quá, mình học hành giỏi giang thì không có lý do gì mình lại không làm được như nó, rồi năng lực của mình cũng đâu thua kém người khác chẳng qua mình chưa gặp may và chưa nỗ lực mà thôi.
Đây là những suy nghĩ tạo ra động lực mạnh mẽ để bạn tiến lên, nhưng mặt trái của nó sẽ làm bạn luôn luôn mệt mỏi vì làm điều quá sức mình. Ranh giới thật mong manh, lời khuyên vẫn là cần đánh giá đúng mình, biết điểm dừng để sự nghiệp của bạn không còn lận đận.
Đứng núi này trông núi nọ, không hài lòng với thực tại
Khác với việc đặt mục tiêu quá cao so với khả năng sẽ làm bạn luôn mệt mỏi. Việc không hài lòng với kết quả đạt được, tiếp tục đặt các mục tiêu mới hoặc tự đưa mình vào các thử thách mới sẽ khiến bạn không có được sự “ổn định” trong sự nghiệp. Bạn bè đã ổn định, đã có vị trí hoặc sự nghiệp riêng, còn bạn vẫn đang loay hoay với một vài dự án khởi nghiệp chưa rõ bến bờ, đây là tình trạng của không ít người.
Có thể bạn không thiếu tiền, vẫn dư dả, nhưng sự nghiệp của bạn tạo cảm giác chênh vênh, bất ổn. Người thân của bạn nhìn thấy, bạn bè nhìn thấy và chính bạn cũng cảm thấy rõ nhất điều đó. Con người ai cũng có lòng tham, nhưng đến lúc bạn cũng cần có điểm dừng, biết hài lòng với thực tại. Biết hài lòng với những gì mình đang có, đây chính là câu thần chú mang đến hạnh phúc bạn nhé.