7 TÍNH CÁCH KHÔNG PHÙ HỢP VỚI VIỆC LÀM ÔNG CHỦ

Vươn lên được các nâng thang cao hơn trong địa vị xã hội là mong muốn chính đáng của mỗi con người, và cách thể hiện dễ thấy nhất cho địa vị xã hội chính là việc được làm ông chủ. Thoát khỏi gò bó của việc làm thuê, thay vào đó là tự chủ thời gian, tài chính, được chủ động và toàn quyền quyết định trong doanh nghiệp của riêng mình – đây là ước mơ của rất nhiều người.

tính cách phù hợp khi làm ông chủ

Tuy nhiên, ước mơ là một chuyện nhưng thực tế mình có đủ năng lực không lại là chuyện khác. Làm ông chủ chưa bao giờ là một việc đơn giản, nó cần hội đủ nhiều yếu tố của con người nếu muốn thành công. “Nhân vô thập toàn”, không ai toàn diện, mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu và cá tính riêng. Nhưng với một trong những tính cách dưới đây thì bạn sẽ khó có thể hoàn thành tốt vai trò làm chủ của mình.

Làm việc tùy hứng, không có kế hoạch

Làm việc có kế hoạch là yêu cầu gần như bắt buộc với tất cả mọi người ở xã hội hiện đại ngày nay. Đặc biệt, khi làm ông chủ, bạn cần có phong cách làm việc có kế hoạch để giúp chính mình và cấp dưới có sự chủ động trong công việc. Nó cũng giúp cấp dưới có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các công việc trong tương lai.

Ngược lại, nếu bạn chỉ thích đưa ra các chỉ đạo tùy hứng, các công việc thường không có kế hoạch trước thì rất khó để cấp dưới thực thi. Mặt khác, nó cũng sẽ gây khó khăn cho chính bạn trong việc hoạch định các chiến lược trong kinh doanh. Tóm lại, làm việc không có kế hoạch là cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và sẽ khiến cộng sự, đối tác, khách hàng cảm thấy rất khó chịu. Từ đó, họ sẽ sớm rời bỏ bạn để tìm một người hợp tác mới và công việc kinh doanh chắc chắn sẽ lâm vào khó khăn nếu bạn vẫn giữ tính cách này.

Hay dùng lời nặng nề với cấp dưới

Khi làm ông chủ, khó tránh khỏi việc cấp dưới có những lúc phạm sai lầm hoặc không làm đúng ý bạn. Những lúc này chính là lúc thể hiện năng lực lãnh đạo của bạn, hãy dùng sự bao dung, những lời nhắc nhở nhẹ nhàng dành cho cấp dưới. Cũng có thể chỉ góp ý và động viên họ để lần sau họ có thể làm tốt hơn. Cử chỉ khoan dung sẽ khiến họ thực sự cảm động, ghi nhớ về lỗi lầm của mình và lần sau sẽ không còn lặp lại.

Nhưng cũng có nhiều ông chủ, không hề có tấm lòng bao dung với nhân viên, sai sót dù lớn hay nhỏ đều bị sếp mắng mỏ, phê bình nặng lời. Một vài ông chủ còn thường dùng các lời lẽ nặng nề phê bình cấp dưới trước mặt đồng nghiệp khác, nó sẽ làm mất danh dự của nhân sự đó, chạm đến lòng tự trọng của họ.

nặng lời với cấp dưới khi làm ông chủ

Và tất nhiên rồi, đã là con người thì ai cũng có lòng tự trọng, khi ai đó đã làm tổn thương lòng tự trọng thì sẽ rất khó có thể tiếp tục nói chuyện với nhau chứ đừng nói chuyện hợp tác. Khi đó nhân viên của bạn sẽ ngay lập tức hoặc rất sớm rời bỏ bạn để tìm chân trời mới. Hành trang họ ra đi sẽ là những ấn tượng xấu về bạn và không thể hợp tác thêm một lần nào nữa trong tương lai. Vậy nếu bạn cứ làm “mất lòng” các nhân viên bằng cách này thì bạn sẽ còn ai để vận hành doanh nghiệp?

Tính cách bay bổng, thiếu thực tế

Tính cách thiếu thực tế là một điều cực kỳ nguy hiểm khi làm ông chủ. Chủ doanh nghiệp có thể có một hoài bão lớn lao, với một sứ mệnh cao cả, nhưng…để hiện thực hóa được hoài bão đó, bạn cần thực tế trong mọi bước đi cụ thể của doanh nghiệp. Đừng nên “bay bổng” khi triển khai công việc, điều này sẽ khiến các mục tiêu bị xa rời thực tế, tốn nguồn lực khi thực hiện mà hiệu quả không có hoặc rất thấp.

Khi mới khởi nghiệp thì đừng vội truyền thông hay truyền cảm hứng với một câu chuyện thương hiệu thật hay, đừng cố gắng truyền tải một sứ mệnh lớn lao cho khách hàng,…khách hàng họ không quan tâm đến những cái đó, họ chỉ quan tâm đến lợi ích họ nhận được từ bạn mà thôi. Điều thực tế lúc này là tạo dựng đội ngũ, tìm kiếm khách hàng để doanh nghiệp sinh tồn và phát triển.

mục đích kinh doanh thoát khỏi sự gò bó

Tính cách bay bổng, thiếu thực tế sẽ phù hợp khi bạn là nghệ sĩ hoặc hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chứ làm ông chủ thì chắc chắn là không. Nếu bạn tự thấy mình có tính cách này thì bạn cần cân nhắc về việc làm ông chủ của mình, vì kinh doanh cần thực tế khi đưa ra định hướng dài hạn lẫn chiến lược, mục tiêu ngắn hạn của doanh nghiệp.

Quá hòa đồng với nhân viên khó có thể làm ông chủ

Làm ông chủ mà xa cách với nhân viên, luôn luôn tạo khoảng cách hay đẳng cấp khác với cấp dưới là điều nên tránh. Nhưng quá hòa đồng, gần gũi hay suồng sã với cấp dưới cũng sẽ làm mất uy của sếp. Từ đó, việc chỉ đạo, đưa ra các yêu cầu khắt khe hoặc xử phạt nhân viên sẽ khó khăn vì nó bị chi phối bởi vấn đề “tình cảm”.

Khi mới là nhóm nhỏ khởi sự, việc gần gũi giữa các anh em là khó tránh khỏi. Nhưng khi đã phát triển thành mô hình doanh nghiệp, nhất thiết cần tạo ra khoảng cách nhất định với nhân viên để tránh bị khó xử khi điều hành. Làm ông chủ cần sử dụng lý trí để ra quyết định, cần có sự cứng rắn, quyết đoán khi triển khai, vì thế quan hệ thân hữu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc điều hành của bạn.

Thiếu quyết đoán, hay do dự

Nhiệm vụ chính khi làm ông chủ là ra quyết định, vì vậy nếu bạn có tính cách hay do dự, thiếu quyết đoán thì rất khó có thể khiến bộ máy vận hành trơn tru. Ngược lại, tính cách này khiến công việc bị tồn đọng, không được giải quyết, các nhân viên bị tình trạng đợi chỉ thị, doanh nghiệp thì mất chi phí lương mà công việc không trôi.

hay do dự khi làm ông chủ

Mặt khác, việc thiếu quyết đoán của ông chủ sẽ khiến nhân viên hoài nghi về năng lực làm ông chủ. Từ đó họ không còn sự tin tưởng và toàn tâm, toàn ý thực hiện mỗi chỉ thị được đưa ra từ cấp trên. Tính cách này cũng sẽ khiến những cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ khi quyết định đưa ra chậm trễ. Do đó, do dự không thể là tính cách của một ông chủ doanh nghiệp thành công trên thương trường.

Không thừa nhận sai lầm, đổ lỗi cho người khác

Không nhiều thì ít, ai cũng sẽ mắc những sai lầm khi đưa ra quyết định, đặc biệt là khi làm ông chủ trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Biết thừa nhận sai lầm, chịu trách nhiệm với quyết định sai lầm đó là một tính cách rất cần thiết khi làm ông chủ.

Tuy nhiên, nhiều người lại đổ lỗi cho cấp dưới khi gặp vấn đề từ quyết định sai lầm của mình, họ trốn tránh không thừa nhận sai lầm, biện minh sai lầm bằng việc đã giao cho cấp dưới làm, bận bịu nên không kiểm tra kĩ…nên cấp dưới phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sai lầm này. Đây là một hành động cực kỳ xấu xí, nó không chỉ khiến người bị đổ lỗi không phục mà tất cả nhân viên sẽ không phục.

đổ lỗi cho cấp dưới khi làm ông chủ

Khi không thu phục được “nhân tâm” của nhân sự, điều hiển hiện trước mắt là nhân viên chỉ còn làm việc theo kiểu đối phó để kiếm thu nhập trước mắt và rồi sẽ lần lượt tìm kiếm người sếp khác tốt hơn. Vì họ hiểu rằng, sớm muộn gì họ cũng sẽ trở thành “bia đỡ đạn” cho ông chủ. Do đó, làm ông chủ cần có sự chính trực, dám thừa nhận sai lầm và đứng ra gánh vác trách nhiệm kể cả khi mình đã giao việc đó cho cấp dưới, có như vậy bạn mới thu hút và giữ được những nhân sự thực sự tâm huyết với doanh nghiệp.

Khắt khe với người khác nhưng dễ dãi với chính mình

Luôn có cái nhìn khắt khe, xét nét với cấp dưới nhưng lại buông lỏng, dễ dãi với chính mình, đây cũng là một tính cách không phù hợp khi làm ông chủ. Bạn dễ dãi, có phần tùy tiện trong công việc nhưng lại khắt khe với nhân viên, điều này thể hiện bạn đang muốn gây khó khăn cho cấp dưới của mình trong công việc, không tạo điều kiện tốt nhất cho họ làm việc mà muốn tạo áp lực bằng những yêu cầu khắt khe.

Việc xét nét không xuất phát từ tính cách của ông chủ mà bắt nguồn từ sự đòi hỏi cao đối với nhân viên. Ông chủ luôn muốn tìm ra khuyết điểm của nhân viên mà không muốn ghi nhận những việc làm tốt, điều tích cực từ cấp dưới. Những sai sót của sếp thường được lờ đi hoặc giảm nhẹ mức độ, nhưng những thiếu sót của cấp dưới thường bị “trầm trọng hóa”, đem ra mổ xẻ. Đây là một tính cách khiến nhân viên sẽ cảm thấy ức chế và coi thường sếp của mình.

khắt khe với cấp dưới nhưng dễ dãi với chính mình khi làm ông chủ

Trên thực tế, muốn tạo ra không khí làm việc tích cực trong doanh nghiệp, người làm ông chủ có thể khắt khe với chính mình nhưng hãy bao dung, độ lượng với cấp dưới. Vì sếp chính là tấm gương để cấp dưới nhìn vào, hãy để nhân viên tự giác học tập các đức tính tốt, chủ động muốn đạt được các tiêu chuẩn cao hơn, chứ không phải dùng các mệnh lệnh ép buộc họ trong khi bản thân mình còn đang chưa chuẩn.

Tạm kết

Kinh doanh không phải con đường duy nhất đi tới thành công, làm ông chủ cũng không phải con đường duy nhất chứng minh sự thành đạt của mình. Nếu muốn làm ông chủ, không còn cách nào khác là bạn cần rèn luyện, thay đổi để có được những đức tính phù hợp. Ngược lại, nếu tính cách không phù hợp thì việc làm chủ của bạn chắc chắn sẽ gặp trở ngại lớn. Điều quan trọng vẫn là mang tới giá trị tốt nhất cho bản thân, gia đình và xã hội bằng công việc của mình, chứ không quan trọng bạn làm ông chủ hay không.

>>> Xem thêm : Nên làm chủ hay làm thuê?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *