CÓ NÊN ĐẦU QUÂN CHO DOANH NGHIỆP LUÔN TỐI ĐA HÓA LỢI NHUẬN?

Tối đa hóa lợi nhuận là chiến lược doanh nghiệp hay áp dụng. Nó giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển và quan trọng có ngân sách để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh, cũng như triển khai các hướng kinh doanh mới. Mặt khác, nó cũng giúp ổn định thu nhập cho đội ngũ nhân sự công ty, cũng như lợi ích của những nhà sáng lập.

chiến lược tối đa hoa lợi nhuận

Tuy nhiên, nếu chủ doanh nghiệp luôn lấy tối đa hóa lợi nhuận làm kim chỉ nam cho mọi hành động của doanh nghiệp thì chưa hẳn đã mang lại lợi ích lâu dài. Nhất là đối với đội ngũ nhân sự trong công ty, không phải Founder hoặc CEO, chiến lược này liệu có mang lại lợi ích cho họ?

Chiến lược tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp

Chiến lược tối đa hóa lợi nhuận là cách suy nghĩ và hành động của đa số doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ với nguồn lực tài chính rất hạn chế. Chiến lược này thông thường được các doanh nghiệp áp dụng vào từng thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, chứ không luôn luôn áp dụng.

Ví dụ, các doanh nghiệp đang ở giai đoạn sơ khai, đang cần đầu tư mạnh để có nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng tiềm thì khó có thể đồng thời đáp ứng được yêu cầu tối đa hóa lợi nhuận. Hay khi mở rộng kinh doanh hoặc cần nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, cũng là lúc doanh nghiệp không thể ưu tiên tối đa hóa lợi nhuận.

Nhưng khi doanh nghiệp đang tái cơ cấu, hay thua lỗ triền miên thì yêu cầu tối ưu lợi nhuận là yêu cầu bắt buộc vì nó ảnh hưởng đến sự tồn tại, sống còn. Hay sau khoảng thời gian đầu tư mạnh mẽ, doanh nghiệp đến lúc cần thu hồi vốn thì việc tối đa hóa lợi nhuận cũng là điều cần thiết.

Bài toán tối ưu lợi nhuận chắc chắn luôn là vấn đề thường trực và làm các chủ doanh nghiệp đau đầu. Cái khó của chủ doanh nghiệp là biết thời điểm phù hợp để áp dụng chiến lược này, mang đến hiệu quả tốt nhất cho công ty. Và để đơn giản hóa, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược này tại mọi thời điểm, nhưng điều có đem lại sự tích cực của doanh nghiệp!?

Biểu hiện của chiến lược tối đa hóa lợi nhuận

Có 2 dạng chính khi doanh nghiệp áp dụng chiến lược tối đa hóa lợi nhuận, đó là: công khai và không công khai.

Với dạng công khai, chủ doanh nghiệp và các nhân sự cấp cao sẽ phổ biến chiến lược để toàn bộ nhân viên nắm được, thống nhất thực hiện. Các ông chủ muốn cấp dưới biết được định hướng và đồng lòng, nỗ lực thực hiện mục tiêu đã đặt ra. Ngoài ra, họ cũng muốn nhân viên công ty sẽ thông cảm, hiểu cho họ về những quyết định trong tương lai gần vì mục tiêu tối ưu lợi nhuận này.

tối đa hóa lợi nhuận bằng cách cắt giảm nhân sự

Với dạng không công khai, chủ doanh nghiệp áp dụng chiến lược chỉ thông qua các hành động mà không có sự thông báo chính thức nào tới nhân viên. Quyết định sa thải nhân sự, thắt chặt mọi khoản chi, cắt giảm phúc lợi, loại bỏ các chi phí đầu tư không mang lại hiệu quả tức hay chỉ có khung lương trung bình thấp cho nhân viên…là các biểu hiện cho thấy doanh nghiệp đang thực thi chiến lược tối ưu lợi nhuận.

Ưu điểm của doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận

Tối đa hóa lợi nhuận mang lại sự ổn định tài chính cho doanh nghiệp và tất nhiên mang đến mức thu nhập ổn định cho những nhân viên còn gắn bó với doanh nghiệp. Nó cũng giúp tối đa hóa thu nhập cho chính chủ doanh nghiệp. Mặt khác, nó sẽ giảm bớt được các khoản chi không cần thiết hoặc kém hiệu quả của doanh nghiệp.

Tối ưu lợi nhuận cũng chính là việc làm giúp nâng cao năng suất người lao động, tối ưu bộ máy làm việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nó cũng giúp những nhân viên còn ở lại sẽ cảm thấy tự tin và thấy mình thực sự mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

Nhược điểm của doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận

Tuy nhiên, khi phúc lợi bị cắt giảm, như hạn chế các cuộc ăn uống để tăng tính đoàn kết, không còn các cuộc đi chơi dài ngày, hay bỏ các khoản thưởng vào dịp lễ,…thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng tâm lý của người lao động. Nhân viên bắt đầu có sự so sánh giữa hiện tại và quá khứ, hoặc giữa các công ty cùng ngành.

Nhân sự giảm bớt, nâng cao hiệu suất làm việc mà lương giữ nguyên nghĩa là  nhân viên sẽ phải gánh vác việc nhiều hơn, chịu áp lực về hiệu quả công việc nhiều hơn. Tâm trạng lo sợ, không thoải mái sẽ nhanh chóng bao phủ toàn công ty nếu chiến lược được áp dụng với thời gian dài.

hãy đi làm thuê trước khi khởi nghiệp kinh doanh

Mặt khác, những chi phí cho dài hạn hoặc không mang đến hiệu quả tức thì như đầu tư cho hình ảnh doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường,…sẽ bị gạt bỏ. Nó sẽ làm đội ngũ làm tiếp thị, truyền thông của doanh nghiệp nản lòng vì không còn “đất dụng võ”. Lúc này, chủ doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung phát triển đội ngũ bán hàng, nơi tạo ra doanh thu trực tiếp, ngay lập tức.

Vậy có nên làm việc cho doanh nghiệp luôn muốn tối ưu lợi nhuận

Như đã phân tích ở phần đầu, tối đa hóa lợi nhuận là việc làm cần thiết của mỗi doanh nghiệp nhưng nó cần được áp dụng đúng thời điểm. Khi doanh nghiệp thường xuyên áp dụng hoặc coi đây là chiến lược xuyên suốt của mình thì nó sẽ trở thành một rào cản nhân sự gắn bó lâu dài.

Dưới góc nhìn của nhân viên, khi ông chủ luôn chặt chẽ trong các khoản chi, luôn muốn tối ưu năng suất người lao động thì đó rõ ràng không phải là một môi trường thoải mái. Áp lực công việc luôn đè nặng, phúc lợi thì ít sẽ là những lý do bạn nên cân nhắc việc tìm bến đỗ mới. Bạn chỉ nên tiếp tục gắn bó lâu dài với doanh nghiệp khi bạn đã là vị trí chủ chốt và “hợp” với sếp. Bạn có thể sẽ được nhận những lợi ích lớn vì lòng trung thành và sự cống hiến của mình.

tối đa hóa lợi nhuận mang lại lợi ích cho ông chủ

Với đội ngũ làm các công việc gián tiếp như tiếp thị, truyền thông, doanh nghiệp luôn theo đuổi chiến lược tối đa hóa lợi nhuận có lẽ không phải điểm dừng chân phù hợp. Vì đối với những doanh nghiệp này, khoản đầu tư không tạo ra doanh thu ngay lập tức chắc chắn sẽ bị loại bỏ. Mà đặc thù của tiếp thị, truyền thông chính là kênh đầu tư dài hạn, khó có thể nhìn thấy kết quả trước mắt được. Trên hết, ông chủ chỉ coi bạn như những người “ăn không ngồi rồi” trong công ty và bạn sẽ là người đầu tiên phải ra đi khi tái cơ cấu.

Dù bất cứ làm việc ở đâu, bạn cần được doanh nghiệp ghi nhận sự đóng góp của mình, còn khi chủ doanh nghiệp còn đang băn khoăn về giá trị của bạn thì bạn nên nhanh chóng rời đi. Ngoài thu nhập, chúng ta còn cần một môi trường không quá áp lực vì thời gian bạn ở công ty còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Bạn chỉ nên chấp nhận chịu áp lực lớn trong công việc khi nhận lại một lợi ích tương xứng, chứ không nên chịu áp lực chỉ để tối ưu hóa lợi ích cho ông chủ của mình.

>>> Đầu tư dài hạn bằng cách xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *