KINH DOANH THỜI VỤ – KIẾM TIỀN HAY XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU?

Ngày nay, khi thị trường thay đổi nhanh chóng thì đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ là một chiến lược nhằm phân tán rủi ro, cũng như tối ưu hóa được các chi phí cố định. Với cùng một mặt bằng, cùng một bộ máy nhân sự, thiết bị, những cửa hàng có thể kinh doanh nhiều mặt hàng ở các thời điểm khác nhau theo nhu cầu thị trường.

Nếu bán nhiều sản phẩm cùng lúc, sẽ không đơn giản vì cần huy động nguồn lực lớn, nhưng tập trung vào sản phẩm mùa vụ, với nhu cầu cao ở các thời điểm nhất định trong năm thì câu chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đây chính là mô hình kinh doanh thời vụ – mô hình kinh doanh giúp đa dạng nguồn thu, hạn chế rủi ro, nhưng ngược lại nó cũng khiến làm mờ nhạt thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

Vậy nên kinh doanh thời vụ để theo đuổi mục tiêu kiếm tiền hay xây dựng thương hiệu bài bản với sản phẩm, dịch vụ cố định, hướng tới mục tiêu bền vững?. Hãy cùng Hải đi tìm câu trả lời cho vấn đề này nhé.

Thế nào được gọi là kinh doanh thời vụ

Kinh doanh thời vụ là hình thức kinh doanh mà cơ sở kinh doanh tập trung bán những sản phẩm có nhu cầu cao, nhu cầu đột biến của người tiêu dùng và thị trường, vào những khoảng thời gian nhất định trong năm. Ví dụ như, một chủ shop sẽ bán hoa vào các dịp lễ phụ nữ, bán quà tết vào dịp Tết, bán hoa quả vào mùa hè,…

kinh doanh thời vụ 1

Với hình thức này, thường chỉ phù hợp với quy mô kinh doanh nhỏ ở các cửa hàng, shop muốn tận dụng triệt để chi phí cố định để kiếm về doanh thu nhiều nhất. Với mục tiêu này các shop xoay chuyển hàng hóa kinh doanh liên tục để phù hợp với nhu cầu thị trường, qua đó thu về doanh số cao. Còn đối với các doanh nghiệp, về cơ bản đều muốn giữ cố định sản phẩm, dịch vụ của mình, để nuôi dưỡng tệp khách hàng và xây dựng thương hiệu một cách bài bản, bền vững.

Chính vì lợi ích rõ ràng về mặt doanh thu khi gần như các mặt hàng luôn nằm trong khoảng thời gian cao điểm tiêu thụ trong năm, việc bán hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Cùng với đó, kinh doanh thời vụ là sự chuyển dịch, thay đổi sản phẩm nhanh chóng luôn giúp các cửa hàng giữ được nhịp độ tăng trưởng ấn tượng mà không cần quan tâm, đầu tư các chương trình kích cầu mùa thấp điểm.

Tối ưu chi phí cố định khi sử dụng chiến lược kinh doanh thời vụ

Chi phí cố định luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng chi phí kinh doanh của các cửa hàng. Vì thế, những tháng thấp điểm trong năm của sản phẩm kinh doanh là thời điểm khó khăn nhất của các chủ shop khi chi phí thuê nhà, nhân sự gần như vẫn phải giữ nguyên mà doanh thu lại không đáng là bao. Ở những thời điểm này, mô hình kinh doanh thời vụ với việc tìm kiếm sản phẩm thay thế chính là phương án tốt nhất để tạo doanh thu ổn định, cùng như tối ưu được các chi phí cố định.

Thông thường, cùng chi phí bỏ ra, doanh thu sẽ không đồng đều ở các thời điểm trong năm do nhu cầu thị trường thay đổi, kéo theo sức mua cũng thay đổi. Khi kinh doanh thời vụ, chủ cửa hàng chỉ cần tập trung vào thời điểm “hot” nhất của sản phẩm để bán, những thời điểm khác gần như chỉ duy trì doanh số thấp, nguồn lực lúc này lại tập trung vào một sản phẩm khác.

kinh doanh thời vụ 2

Việc xoay vòng các sản phẩm liên tục như vậy giúp cửa hàng luôn có nguồn thu ổn định, giúp đạt được hiệu quả tối đa cho từng đồng vốn bỏ ra. Khi nắm bắt được tính chất mùa vụ của mặt hàng kinh doanh, các cửa hàng hoàn toàn chủ động được chiến lược kinh doanh của mình sao cho phù hợp.

Đảm bảo nguồn thu ổn định chính là ưu điểm lớn nhất của mô hình kinh doanh thời vụ. Về cơ bản, bất kỳ mặt hàng nào đều có chu kỳ mùa vụ của nó, trong năm sẽ có thời điểm nhu cầu cao và thấp. Đặc biệt, một số mặt hàng sẽ có nhu cầu tăng đột biến hoặc cực kỳ thấp, do đó doanh số bán hàng sẽ lên xuống theo những thời điểm này, nếu cửa hàng chỉ bán duy nhất một mặt hàng.

Ngược lại, nếu cửa hàng sẵn sàng kinh doanh đa dạng sản phẩm phù hợp với từng thời điểm trong năm, thì doanh thu sẽ được đảm bảo tương đối đều đặn. Đây chính là một lợi thế rất lớn của kinh doanh thời vụ so với mô hình kinh doanh cố định sản phẩm.

Những nhược điểm khi kinh doanh thời vụ

Dù có lợi thế về mặt doanh thu, nhưng kinh doanh mùa vụ cũng có những nhược điểm nhất định. Đó chính là không nhất quán trong sản phẩm khiến việc xây dựng thương hiệu khó khăn, đó là kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất nhiều mặt hàng.

Kinh doanh thời vụ là bán các mặt hàng khác nhau ở các thời điểm trong năm, vì thế thương hiệu khó tạo được ấn tượng về sản phẩm đối với người tiêu dùng. Sự trải nghiệm của người tiêu dùng sẽ bị gián đoạn khi tháng này cửa hàng bán một sản phẩm, nhưng có thể sang tháng sau người tiêu dùng lại thấy cửa hàng đang bán sản phẩm khác. Khách hàng sẽ có cảm giác thiếu tin tưởng khi shop thay đổi nhiều mặt hàng, khiến người tiêu dùng nghĩ rằng shop không chuyên bán mặt hàng gì cả, mà bán kiểu “thập cẩm”.

Trong kinh doanh, bán “thập cẩm” cũng chính là một “con dao hai lưỡi” khi vừa giúp ổn định doanh thu, nhưng cũng khiến cửa hàng giảm mức độ chuyên môn hóa, đa dạng của sản phẩm. Tâm lý người tiêu dùng thì thường tìm đến nơi chuyên môn hóa cao, vừa để có nhiều lựa chọn do có sự đa dạng, vừa có giá cả cạnh tranh vì tối ưu được quy trình sản xuất, chính vì thế những nơi không chuyên kinh doanh một mặt hàng nào đó khó có khả năng thuyết phục người mua.

kinh doanh thời vụ 3

Mặt khác, kinh nghiệm về sản phẩm, cũng như sự am hiểu về khách hàng của mình cũng là một nhược điểm của kinh doanh thời vụ. Bộ máy vận hành để thích nghi với việc thay đổi sản phẩm chắc chắn sẽ không thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng sản xuất, để có thế mang đến cho khách hàng một sản phẩm hoàn hảo nhất.

Chính điều này khiến thương hiệu bị mờ nhạt trong tâm trí người tiêu dùng vì sản phẩm mang tính phổ thông, không có nét đặc sắc riêng có. Chỉ có sự khác biệt mới tạo được dấu ấn đậm nét trong tâm trí khách hàng, từ đó mới tạo được định vị thương hiệu trên thị trường. Nhưng muốn làm được điều này, thương hiệu lại cần tập trung để nghiên cứu, xây dựng một trải nghiệm liền mạch, hoàn hảo cho người tiêu dùng về sản phẩm hoặc một vài sản phẩm liên quan. Điều mà mô hình kinh doanh thời vụ không thể làm được.

Do đó, chiến lược kinh doanh thời vụ sẽ hạn chế đáng kể công việc xây dựng thương hiệu, không làm người tiêu dùng nhớ tới thương hiệu về một sản phẩm đặc trưng nào đó. Thay vào đó, khách hàng sẽ nhớ đến thương hiệu là một nơi bán hàng theo mùa và cung cấp trải nghiệm sản phẩm ở mức vừa phải, chấp nhận được. Đổi lấy doanh thu ổn định trong ngắn hạn, thương hiệu sẽ phải chấp nhận sự mờ nhạt trong tâm trí người tiêu dùng, dẫn đến khó có sự bền vững khi bị cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu chuyên môn hóa.

Quan trọng vẫn là mục tiêu kiếm tiền hay xây dựng một thương hiệu

Với mục tiêu có doanh thu ổn định trong ngắn hạn, kinh doanh thời vụ chắc chắn là sự lựa chọn hoàn hảo. Dưới áp lực duy trì doanh số ổn định, bán sản phẩm ở mùa cao điểm sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bán sản phẩm đó suốt cả năm. Tuy nhiên, với một mặt hàng bất kỳ, ở mùa cao điểm sẽ rất nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là những cửa hàng chuyên môn hóa. Lợi thế của những cửa hàng chỉ bán một sản phẩm chính là sự đa dạng sản phẩm và khả năng am hiểu khách hàng của mình sâu sắc.

Chính vì thế, những shop kinh doanh thời vụ khó có thể cạnh tranh lâu dài với những shop chuyên môn hóa như vậy. Giữa 2 cửa hàng cung cấp sản phẩm tương tự nhau, người tiêu dùng có xu hướng chọn nơi có thương hiệu lâu năm, giá cả cạnh tranh và thực sự hiểu họ để mang đến một trải nghiệm tốt, những điều này rõ ràng chỉ có những shop chuyên môn hóa mới có thể làm được.

kinh doanh thời vụ 4

Như vậy, nếu mục tiêu là xây dựng thương hiệu, là tạo một dấu ấn rõ nét trong tâm trí người tiêu dùng, là người tiêu dùng luôn nghĩ đến bạn ở một trong những vị trí đầu tiên khi có nhu cầu, thì không còn cách nào khác ngoài việc chọn sản phẩm để chuyên môn hóa. Vì thế, kinh doanh thời vụ chỉ là một giải pháp tạm thời nhằm tối ưu các chi phí cố định và phù hợp với việc bán hàng nhỏ lẻ, còn khi đã xác định xây dựng thương hiệu, đi theo hướng phát triển bền vững với quy mô lớn thì nó sẽ không phù hợp, con đường chuyên môn hóa với sản phẩm của mình vẫn là con đường duy nhất mà bạn có thể đi.

>> Xem thêm: Những sai lầm “chí mạng” trong tư duy kinh doanh khởi nghiệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *