GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP – 5 GIÁ TRỊ CỐT LÕI MÀ BẠN CẦN BIẾT

Khi xây dựng và định giá doanh nghiệp, nhiều người đang bị mơ hồ về những giá trị doanh nghiệp – thứ thực sự là tài sản của doanh nghiệp mà bạn cần vun đắp, nắm giữ nó một cách kiên trì và chắc chắn. Sự mơ hồ này đến từ việc có quá nhiều quan điểm, học thuyết của giới làm tiếp thị, kinh doanh trong và ngoài nước, nào thì tài sản hữu hình, vô hình, cảm xúc, văn hóa doanh nghiệp…vân vân mây mây.

Sự mơ hồ, không rõ ràng về giá trị doanh nghiệp sẽ khiến chủ doanh nghiệp đánh giá sai về doanh nghiệp, không quản lý chặt những thứ quan trọng nhất. Cùng với đó là sự thiếu định hướng trong phát triển, bồi đắp những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đã có được trong suốt quá trình hình thành.

giá trị doanh nghiệp

Trong vấn đề nhận thức về giá trị doanh nghiệp này, Hải hiểu rằng các chủ doanh nghiệp đều muốn đi đến cùng của chân lý, tìm ra chính xác cái gì mới thực sự là giá trị cốt lõi giữa nhiều quan điểm trái chiều hiện có trên thương trường. Có thể, rất khó để có một đáp án chung thỏa mãn tất cả, nhưng Hải cũng muốn đóng góp một góc nhìn của mình với mong muốn mọi thứ được sáng tỏ hơn, không trừu tượng hóa hay làm phức tạp thêm trong nhận thức những thứ quan trọng bậc nhất với doanh nghiệp.

Tệp khách hàng là thứ quan trọng hàng đầu của giá trị doanh nghiệp

Nhắc đến giá trị doanh nghiệp, không ít người sẽ nghĩ đến yếu tố nguồn nhân lực hay nhân sự đầu tiên. Các doanh nghiệp dù lớn, vừa hay nhỏ đều nêu rõ ràng vấn đề này trong phần giới thiệu về doanh nghiệp và gần như tất cả đều nói nhân sự là giá trị cốt lõi hàng đầu của họ. Hoạt động nhân sự cũng luôn sôi động nhất doanh nghiệp và được tất cả mọi người quan tâm cả nội bộ lẫn ngoài công ty.

Nhưng cũng có một sự thật mà chúng ta đều nhìn thấy, đó là khi khó khăn về tài chính, việc đầu tiên chủ doanh nghiệp nghĩ tới là cắt giảm nhân sự, loại bỏ cái mà doanh nghiệp luôn đề cao và coi là giá trị cốt lõi, xương sống của doanh nghiệp. Liệu có ai lại dễ dàng bỏ đi cái quan trọng nhất với mình không!? Hải nghĩ là không, người ta chỉ dễ dàng loại bỏ những thứ thực chất không quan trọng với mình để đạt được thứ quan trọng hơn mà thôi.

Mặt khác, có những doanh nghiệp có những cuộc thay thế nhiều vị trí chủ chốt, hoặc “thay máu” gần như toàn bộ nhân sự, nhưng họ không sụp đổ mà vẫn tồn tại và phát triển. Những thực tiễn kể trên, giúp Hải nhận thức rằng, mọi nhân sự trong doanh nghiệp đều có thể thay thế khi cần và nó sẽ không ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự tồn tại của doanh nghiệp đó, kể cả vị trí người sáng lập.

tệp khách hàng là giá trị doanh nghiệp

Chúng ta cũng thấy rằng, doanh nghiệp sẵn sàng thay thế, loại bỏ nhân sự khi khó khăn nhưng sẽ không bao giờ từ chối khách hàng. Vì khách hàng chính là nguồn sống của doanh nghiệp, là người trả lương gián tiếp cho mọi nhân sự, là người mang đến sự thịnh vượng và vị thế của doanh nghiệp trên thương trường. 

Nắm giữ, nghiên cứu, phát triển tệp khách hàng của mình cũng chính là đang phát triển doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã, đang tìm cách để khai thác triệt để tệp khách hàng mình đang nắm giữ, từ phân tích hành vi, thói quen mua hàng, đến nhân khẩu học, rồi đến bán chéo sản phẩm, mở rộng hệ sinh thái,…

Mặt khác, qua phân tích dữ liệu về khách hàng, doanh nghiệp sẽ đưa ra được chiến lược kinh doanh phù hợp ở từng thời điểm, giúp doanh nghiệp thực sự thấu hiểu khách hàng, qua đó tối ưu được sản phẩm dịch vụ nhằm mang tới trải nghiệm ngày càng tốt hơn. Từ những lý do đó, tệp khách hàng mới thực sự là thứ giá trị nhất của giá trị doanh nghiệp.

>> Xem thêm: Chúng ta đã thực sự thấu hiểu khách hàng?

Hệ thống, quy trình làm việc

Qua thời gian phát triển, mỗi doanh nghiệp đều tự tạo được một quy trình và hệ thống làm việc riêng của mình, đây chính là một phần của giá trị doanh nghiệp. Hệ thống chính là cách thức chuẩn hóa sự phối hợp của các bộ phận trong doanh nghiệp, nó giúp bộ máy hoạt động trơn tru và được tối ưu qua thời gian để hướng tới hiệu suất cao nhất.

Khi có một quy trình tốt, mỗi nhân sự trong doanh nghiệp chỉ như bánh răng trong cả cỗ máy lớn và chúng hoàn toàn có thể thay thế, sửa chữa khi cần ở bất kỳ bánh răng nào, dù to hay nhỏ. Một quy trình hoạt động tối ưu cũng giúp doanh nghiệp “tự động hóa” vận hành ở mức cao nhất mà ít hoặc không cần có sự can thiệp của ông chủ. Chủ doanh nghiệp có thể không cần có mặt ở doanh nghiệp trong thời gian dài, không cần có điều hành gì mà doanh nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả.

hệ thống quy trình là giá trị doanh nghiệp

Do đó, việc tối ưu được hệ thống, quy trình hoạt động của doanh nghiệp cũng chính là đang làm tăng giá trị doanh nghiệp. Và trong công việc tối ưu này, không gì tốt hơn là việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin vào bộ máy quản lý doanh nghiệp. Từng bước tiến đến bán tự động, rồi tự động hóa hoàn toàn hệ thống vận hành. Khi làm được điều này, hệ thống sẽ là một phần quan trọng trong giá trị doanh nghiệp.

Tên thương hiệu

Một doanh nghiệp sở hữu một hoặc nhiều thương hiệu khác nhau, vì thế thương hiệu chính là một dạng tài sản làm nên giá trị doanh nghiệp. Trong các yếu tố của thương hiệu, tên thương hiệu là cái được người tiêu dùng lưu giữ, ghi nhớ trong tâm trí, tạo nên nhận thức về thương hiệu. Chính vì thế, người ta sẽ không bao giờ thay đổi tên thương hiệu dù họ có thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, câu chuyện thương hiệu hay gì khác.

Tên thương hiệu chính là đại diện rõ ràng nhất cho giá trị thương hiệu, cũng như giá trị doanh nghiệp. Nó là cái tồn tại lâu nhất, sâu nhất trong nhận thức, trí não của người tiêu dùng cũng như khách hàng. Nếu thay đổi tên thương hiệu, đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ phải làm lại từ đầu, xóa ván cờ cũ đánh lại từ đầu, vứt bỏ tất cả công sức xây dựng qua thời gian. Và tất nhiên, chẳng ai làm thế cả.

tên thương hiệu là giá trị doanh nghiệp

Thực tế chứng minh, có rất nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước như Vinamilk, Viettel, Coteccons, Apple, Kia, Xiaomi,…đã từng tái định vị thương hiệu bằng cách thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, từ màu sắc, font chữ, slogan, tagline…nhưng tuyệt nhiên không thay đổi tên thương hiệu. Điều này khẳng định một lần nữa rằng tên thương hiệu là một phần quan trọng của giá trị doanh nghiệp mà các ông chủ cần nắm giữ và quan trọng hơn là không nên thay đổi nó.

Hồ sơ năng lực

Hồ sơ năng lực thể hiện những hợp đồng doanh nghiệp đã thực hiện, qua đó chứng minh được kinh nghiệm cũng như khả năng của doanh nghiệp trong lĩnh vực, ngành nghề mình đang kinh doanh. Tất nhiên, ở đây Hải đang đề cập đến hồ sơ năng lực thật, chứ không phải “fake” với mục đích đưa cho khách hàng xem.

Vì thế, hồ sơ năng lực chính là giá trị doanh nghiệp, cái mang đến sự yên tâm, tin tưởng của khách hàng với doanh nghiệp, ngoài ra nó cũng xây dựng vị thế doanh nghiệp trên thương trường. Cụ thể, giá trị doanh nghiệp được thể hiện qua kinh nghiệm của những nhân sự, qua hệ thống máy móc thiết bị và năng lực tài chính,…đã huy động để hoàn thành các hợp đồng trong quá khứ.

hồ sơ năng lực là giá trị doanh nghiệp

Nói một cách khác, giá trị doanh nghiệp sẽ được thể hiện qua độ lớn, tính phức tạp của những đơn hàng, hợp đồng mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện. Nó là minh chứng rõ ràng, chính xác nhất về năng lực của doanh nghiệp trong ngành nghề của mình.

Tài sản vật chất

Giá trị doanh nghiệp hữu hình nhất chính là tài sản vật chất của công ty. Nó bao gồm bất động sản, máy móc thiết bị, các khoản đầu tư, khoản vay, bằng sáng chế,…thuộc sở hữu của doanh nghiệp, nó phần nào phản ánh năng lực tài chính cũng như độ “mạnh khỏe” của doanh nghiệp.

Nếu hồ sơ năng lực thể hiện uy tín về chuyên môn, đảm bảo về chất lượng sản phẩm, thì tài sản vật chất thể hiện uy tín về tài chính, khả năng vận hành cũng như khả năng giữ đúng các cam kết với khách hàng. Vì thế, nó cũng là một yếu tố không thể thiếu thiếu tạo nên giá trị doanh nghiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *