THỰC TRẠNG BUỒN: DÙNG VĂN HÓA DOANH NHÂN ÁP ĐẶT CHO VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Như chúng ta đều biết, ý chí, quan điểm của chủ doanh nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa doanh nghiệp. Hay nói cách khác, văn hóa doanh nhân sẽ chi phối văn hóa doanh nghiệp mà họ sở hữu, dù muốn hay không.

văn hóa doanh nhân

Văn hóa doanh nhân là cách nhìn, quan điểm, quy tắc ứng xử của chủ doanh nghiệp trong cả công việc lẫn ngoài công việc. Trên thực tế, ở rất nhiều doanh nghiệp, ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân đang bị xóa nhòa khiến  suy nghĩ chủ quan của ông chủ chi phối, định hướng toàn bộ văn hóa doanh nghiệp. Dưới đây là 3 câu chuyện có thật, đại diện cho thực trạng này, mà Hải muốn chia sẻ cho mọi người.

Một ông chủ “ép” nhân viên theo đạo phật.

Trong các cuộc họp công ty, ông chủ luôn mở đầu bằng những lời “phật răn dạy” hoặc trình bày tóm tắt các buổi thuyết giảng đạo phật của các thầy, các trụ trì mà người đó thích nghe. Sau đó, từ những triết lý phật giáo, ông ấy dẫn về câu chuyện kinh doanh. Ở doanh nghiệp này, các cuộc thăm quan cũng thường xoay quanh các địa điểm chùa chiền hoặc du lịch tâm linh.

Rất bình thường nếu sở thích, tín ngưỡng phật giáo là của cá nhân ông chủ. Nhưng ở đây, tín ngưỡng cá nhân hay văn hóa doanh nhân được “giáo dục” cho tất cả nhân sự trong doanh nghiệp. Người lao động không có quyền lựa chọn tiếp nhận hay không tín ngưỡng này mà bị ép buộc phải nghe, phải hiểu và phải theo một đức tin nào đó.

Ai cũng biết, tôn giáo hay tín ngưỡng là thứ thứ cần được tự do lựa chọn, nhưng nhiều chủ doanh nghiệp lại cho mình cái quyền được định hướng, ép buộc trá hình nhân viên của mình phải thích cái mình thích, phải tin cái mình tin. Chưa có một thống kê cụ thể, nhưng Hải tin rằng, tình trạng này đang diễn ra ở không ít doanh nghiệp tại Việt Nam.

Một doanh nghiệp lớn của Việt Nam trịnh trọng tổ chức ngày giỗ Lý Tiểu Long

Có một chủ doanh nghiệp lại yêu thích, sùng bái một nhân vật của nước ngoài, đó là Lý Tiểu Long. Nhân vật này không có công lao gì với nước ta, cũng không phải vĩ nhân thế giới hay cũng không phải người thân quen hay có ân huệ gì với chủ doanh nghiệp này (theo ông chia sẻ). Đơn thuần, ông chủ yêu võ thuật và sùng bái nhân vật này như một fan hâm mộ mà thôi.

văn hóa doanh nhân tổ chức giỗ lý tiểu long

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu chủ doanh nghiệp thể hiện sự yêu quý với thần tượng của mình, với tư cách cá nhân. Nhưng ông đã tổ chức một ngày giỗ trịnh trọng, hoành tráng và yêu cầu toàn thể nhân viên tham gia. Khi nhiều người công việc đang ngập đầu, họ vẫn phải bỏ thời gian để tham gia buổi giỗ của một võ sư, một diễn viên điện ảnh nước ngoài, chắc đa số mọi người sẽ ấm ức mà không dám nói.

Câu chuyện tổ chức giỗ thần tượng này có vẻ khá hài hước và “dị” nhưng nó hoàn toàn là sự thật. Lúc này, văn hóa doanh nhân đã được đồng nhất với văn hóa doanh nghiệp, ông chủ đã biến thần tượng của mình thành thần tượng của tập thể nhân sự công ty, biến sự sùng bái dị thường của mình với một nhân vật bình thường thành sự sùng bái của từng cá nhân trong doanh nghiệp.

Một hệ sinh thái lớn trong lĩnh vực xây dựng của Việt Nam không quan tâm đến sự kiện tổng bí thư từ trần.

Câu chuyện này không chỉ là câu chuyện về văn hóa doanh nhân mà nó còn là văn hóa cơ bản của con người đó là sự kính trọng và lòng biết ơn.

Trong những ngày qua, khi cả nước tiếc thương sự ra đi của một nhân cách lớn của dân tộc, một con nhà lãnh đạo dành trọn cuộc đời vì nước vì dân với nhiều đóng góp, cống hiến đặc biệt quan trọng cho đất nước – đó là Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng. Sự công nhận tài năng và đức độ, sự kính trọng, kính phục, biết ơn tới TBT được hàng triệu con người Việt Nam, hàng nghìn doanh nghiệp cùng bạn bè quốc tế thể hiện qua thời gian để tang gần một tuần qua.

Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn với TBT, trong khoảng thời gian từ lúc TBT từ trần đến khi kết thúc quốc tang, hầu hết các website, fanpage của các trang báo, doanh nghiệp, cá nhân ở Việt Nam đều có hành động chuyển màu đen trắng. Có một số doanh nghiệp còn tổ chức lễ tang hay phút mặc niệm trang nghiêm ngay tại trụ sở công ty để thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn chân thành.

Nhưng trong khoảng thời gian này, các công ty trong một hệ sinh thái xây dựng lớn trong nước, đã không hề có một động thái gì thể hiện sự biết ơn hay kính trọng với nhà lãnh đạo của đất nước. Liệu đây có phải sơ suất của đội ngũ truyền thông của các công ty trong hệ sinh thái này, Hải nghĩ là không vì có thể sơ suất ở một công ty nhưng không thể sơ suất ở nhiều công ty được.

Lý giải cho hành động thờ ơ này là sự chỉ đạo từ ông chủ của hệ sinh thái, ông ấy có lẽ có cái nhìn trái ngược hoàn toàn với đa số người dân về TBT. Lúc này, văn hóa doanh nhân mới được bộc lộ rõ, có thể ông ấy không có sự kính trọng với TBT nhưng cần có lòng biết ơn với nhà lãnh đạo của đất nước vì đã mang đến mội trường kinh doanh thuận lợi cho hệ sinh thái của ông phát triển. Mang đến nền chính trị ổn định cho đất nước mà chính ông, gia đình ông và toàn bộ hệ sinh thái của ông đang sống và làm việc.

lòng biết ơn trong văn hóa doanh nhân

Văn hóa doanh nhân của ông đã thể hiện sự vô ơn, không chỉ của cá nhân ông mà đã vô tình đại diện cho sự vô ơn của toàn bộ nhân sự trong hệ sinh thái của ông. Có thể có những nhân sự không cùng suy nghĩ với ông, nhưng không thể làm khác. Hành động của ông không chỉ làm xấu đi hình ảnh của ông, của hệ sinh thái ông đang dẫn dắt mà còn làm xấu cả của những nhân viên dưới quyền ông. Trong trường hợp này, văn hóa doanh nhân đã bao trùm và ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa doanh nghiệp.

Đừng lấy văn hóa doanh nhân khiếm khuyết áp đặt cho văn hóa doanh nghiệp

Qua những câu chuyện trên, không chỉ chi phối mà văn hóa doanh nhân thực tế đang ảnh hưởng sâu sắc, đôi khi còn bao trùm và đồng nhất với văn hóa doanh nghiệp. Thực trạng này tạo ra sự áp đặt khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp – điều được cho là tối kỵ. Chúng ta cần công nhận và khẳng định với nhau rằng, không nên dùng một văn hóa doanh nhân khiếm khuyết để định hướng và áp đặt cho văn hóa doanh nghiệp.

Không nên lấy tư duy, quan điểm chủ quan cá nhân của chủ doanh nghiệp để đại diện cho suy nghĩ của tất cả nhân sự trong doanh nghiệp. Ông chủ hãy chèo lái doanh nghiệp theo định hướng của mình, nhưng văn hóa doanh nghiệp cần mang đến những điều tích cực và được sự thống nhất cao của tất cả nhân sự. Có như vậy, văn hóa doanh nghiệp mới là nền tảng để xây dựng thương hiệu và mới thực sự là linh hồn của doanh nghiệp.

>>> Có cần thiết phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *