VÌ SAO TRUYỀN THÔNG BẨN VẪN CÒN NHIỀU ĐẤT DIỄN?

Trong những ngày gần đây, scandal sao kê ủng hộ đồng bào lũ lụt đã làm rúng động dư luận, làm thỏa trí tò mò của cộng đồng “hít drama”, làm hả hê trong lòng những người ghét chiêu trò “phông bạt” của giới showbiz và tất nhiên là làm bẽ mặt những kẻ lợi dụng thiên tai để đánh bóng tên tuổi của mình.

Thực tế, việc sử dụng các chiêu trò không phải là mới trong thế giới những người nổi tiếng (nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu, người đẹp…), người có tầm ảnh hưởng (KOL, Influencer, KOC, Cầu thủ,…) hay các nhãn hàng, nó đã đang được áp dụng một cách khá phổ biến và có xu hướng ngày càng đa dạng, phong phú với muôn hình vạn trạng.

truyền thông bẩn

Những chiêu trò không chính trực với mục đích truyền thông như vậy, thường được gọi ngắn gọn là truyền thông bẩn. Tuy bẩn nhưng nó vẫn mang lại hiệu quả cao, lại thường không vi phạm pháp luật nên vẫn được người trong giới sử dụng triệt để. Tất nhiên, truyền thông bẩn không thể đạt tiêu chuẩn về mặt đạo đức, nhưng giữa thế giới coi trọng vật chất ngày nay, có lẽ đạo đức, nhân phẩm là cái rẻ nhất để người ta sẵn sàng bỏ qua để đạt được những thứ thực dụng hơn.

Truyền thông bẩn là gì?

Truyền thông bẩn ám chỉ việc sử dụng các hình thức quảng bá, chia sẻ, phát biểu, câu chuyện gây tranh cãi… sai sự thật, vi phạm đạo đức luật pháp, vô bổ, công kích người khác hay thông tin đời tư trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhằm mục đích thu hút sự theo dõi của cộng đồng đối với mình hoặc đem về một lợi ích vật chất nào đó.

Gần đây, chỉ với sự kiện cơn bão Yagi gây thiệt hại lớn cho đồng bào các tỉnh miền Bắc nước ta, rất nhiều đối tượng đã nhanh nhạy “ bắt trend”, tận dụng cơ hội ăn theo tin tức bão lũ mà người dân cả nước đang quan tâm, nhằm đánh bóng tên tuổi cho mình. Một số sự việc điển hình nhất, Hải liệt kê dưới đây.

Ồn ào nhất là việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai 12.000 trang sao kê số tiền các cá nhân, tổ chức chuyển tiền ủng hộ đồng bào đang chịu cảnh lũ lụt. Từ hành động này, cộng đồng mạng mới phát hiện ra nhiều cá nhân, tổ chức đã không ủng hộ số tiền nhiều như đã công bố trước đó trên trang cá nhân của mình. Đáng nói, sự sai lệch này có chủ ý  rõ ràng vì con số thực tế và con số một số cá nhân “khoe” lệch nhau đến hàng chục, hàng trăm lần.

truyền thông bẩn là gì

Hay một thương hiệu F&B thể hiện sự đồng cảm và ủng hộ đồng bào bằng việc trích 1000đ/ 1 ly đồ uống để ủng hộ. Đương nhiên, với thông tin này ai cũng hiểu, khách hàng càng tiêu thụ nhiều sản phẩm của thương hiệu thì thương hiệu mới có số tiền lớn để ủng hộ. Đây không rõ là một sự vô ý hay một chiêu truyền thông bẩn nhằm kích cầu và làm tăng sự thu hút của người dùng với thương hiệu!?. 

Hải thì cho rằng, với một thương hiệu đồ uống cũng có tiếng tăm, một chiến dịch truyền thông đều được cân nhắc kỹ lưỡng, chắc không thể có sự sai sót hay nhầm lẫn ở đây mà đều có mục đích rõ ràng.

Rồi một ca sĩ đi thuyền từ thiện tại quận Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội – nơi nước chỉ ngập 40-50cm và người dân khá đầy đủ về vật chất, không muốn nói là giàu có so với mặt bằng chung của người dân. Nó đúng là một câu chuyện cười ra nước mắt khi chàng ca sĩ mượn công việc từ thiện để “làm màu”, diễn quá lố. Mọi người đều đặt câu hỏi, tại sao chàng ca sĩ không từ thiện ở một nơi khó khăn mà lại đi từ thiện cho người giàu, ngay trung tâm thủ đô, câu trả lời không gì khác vẫn là truyền thông bẩn với mục đích đánh bóng tên tuổi.

Rồi lại có cô người mẫu rất hay lên mạng xã hội để tranh cãi và cơ hội lũ lụt này cô cũng không quên phương thức của mình. Cô lại lên trang cá nhân tranh cãi với người khác về quan điểm từ thiện, một cuộc tranh luận có vẻ khá vô thưởng vô phạt, nhưng lại thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trên mạng xã hội. Nó giúp cô người mẫu luôn hâm nóng được tên tuổi của mình, không bị khán giả quên lãng qua thời gian.

Lợi ích mà truyền thông bẩn mang lại cho những đối tượng sử dụng nó

Truyền thông bẩn có thể “giả trân”, đôi khi dối trá, không có tính nhân văn, vô đạo đức nhưng nó lại mang đến hiệu quả, thường giúp những đối tượng sử dụng nó đạt được mục đích của mình. Vì thế nó đã, đang được ưa chuộng trong truyền thông nói chúng và đặc biệt là truyền thông mạng xã hội nói riêng.

Thứ nhất, dù không ổn về mặt đạo đức nhưng nó vẫn mang lại lợi ích to lớn cho những người sử dụng truyền thông bẩn. Lợi ích rõ ràng trước mắt là sự thu hút theo dõi của khán giả vì bản tính tò mò vốn có trong mỗi người. Qua đó, tăng độ phủ nhận diện thương hiệu cá nhân, tổ chức, từ đó các hợp đồng sự kiện, quảng cáo, game show…sẽ ùn ùn kéo về. Hay ít nhất, thương hiệu của cá nhân hay tổ chức sử dụng truyền thông bẩn, đã tạo được một ấn tượng nhất định trong tâm trí khán giả, người tiêu dùng, cho dù ấn tượng đó là tiêu cực.

ợi ích của truyền thông bẩn

Thứ hai, truyền thông bẩn có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho người sử dụng. Còn nhớ vụ việc kêu gọi tiền từ thiện cách đây không lâu, khi có người đã có những hoài nghi và bằng chứng về việc khuất tất trong giải ngân số tiền từ thiện của những người nổi tiếng sau khi kêu gọi quyên góp từ những mạnh thường quân. 

Sau vụ việc đó, công chúng đều đặt dấu hỏi về các khoản tiền lớn mà các nghệ sĩ, người nổi tiếng đã thu được từ chiêu bài quyên góp, ủng hộ đồng bào gặp khó khăn, họ đã thực sự chuyển cho đồng bào bao nhiêu và liệu họ có “biển thủ” một phần hay không!? Sử dụng tầm ảnh hưởng của mình, núp sau vỏ bọc nhân văn cao cả là giúp đỡ đồng bào đang gặp hoạn nạn, chắc chắn không ít người đã kiếm được những khoản tiền không hề nhỏ.

Vì sao truyền thông bẩn ngày càng được ưa chuộng

Vẫn biết truyền thông bẩn vi phạm các chuẩn mực đạo đức, nhưng sự thực nó vẫn nhận được sự quan tâm của các phương tiện truyền thông và thu hút của đông đảo người xem. Không quá khi nói rằng truyền thông bẩn là một kênh quan trọng cung cấp nội dung cho các trang báo điện tử, cũng như các mạng xã hội khác như Facebook, Tiktok, Youtube,…

Hiểu rõ vai trò của các nội dung “rác” này với độc giả nên các trang báo, mạng xã hội luôn săn đón để cập nhật mới nhất, nhằm thu hút độc giả. Các tin sốc, drama luôn dễ dàng thu hút người xem hơn các tin chính thống, mặt khác đầu tư công sức lại ít hơn. Chính cách làm “ăn xổi” này của các trang báo, mạng xã hội đã tiếp tay, thúc đẩy truyền thông bẩn. Ai cũng muốn chọn phương án đơn giản hơn mà hiệu quả lại cao, thay vì đầu tư bài bản, tốn nhiều nguồn lực mà hiệu quả không rõ ràng.

Báo chí tiếp cận truyền thông bẩn với tâm thế đưa tin trung lập, không có sự phê phán, định hướng dư luận theo hướng tích cực thì không khác gì lan tỏa giá trị cho những nội dung độc hại này. Cộng với hiệu ứng lan truyền nhanh của mạng xã hội, các nội dung này sẽ bay nhanh và xa, đúng như những người sử dụng nó đang mong muốn.

Thúc đẩy sự nở rộ của truyền thông bẩn, không thể không kể đến vai trò của khán giả – những người trực tiếp và cuối cùng hấp thụ các nội dung đó, trong đó có cả Hải. Tâm lý tò mò, muốn tìm hiểu những câu chuyện “thâm cung bí sử” của người khác hơn là nghiên cứu những lĩnh vực hữu ích, là đặc điểm của phần lớn độc giả. Chính đặc điểm này khiến nội dung dù vô giá trị, lố lắng hay vi phạm chuẩn mực đạo đưc, đôi khi vi phạm cả pháp luật vẫn được người xem chờ đợi, đón nhận một cách nồng nhiệt.

cần lên án truyền thông bẩn

Hành động chia sẻ vội vàng để khẳng định mình là người nắm bắt nhanh thời cuộc hơn, thông tuệ hơn, khi chưa kiểm chứng và suy nghĩ thấu đáo càng khiến truyền thông bẩn lan truyền với tốc độ chóng mặt. Người người chia sẻ, nhà nhà chia sẻ là một hành động cực kỳ nguy hiểm trong việc phát tán các nội dung xấu, độc trên cộng đồng.

Với cá nhân Hải, hàng ngày cũng tiếp cận với nhiều nội dung của truyền thông bẩn, Hải thường không quan tâm, cũng nó nội dung sẽ dừng lại để đọc xem nhưng tuyệt nhiên không bao giờ chia sẻ hay tương tác với những nội dung đó. Hải hiểu rằng, tương tác với các nội dung xấu độc đó chính là một hình thức cổ vũ và giúp chúng mạnh hơn.

Cái sai nói nhiều cũng biến thành cái đúng, đây là một chân lý. Vì thế, chính sự săn đón của các trang báo, trang mạng xã hội, sự dễ dãi, ham tin tức giật gân và vô tâm của khán giả, đã cổ vũ, tiếp tay cho truyền thông bẩn ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ở đây, vai trò của khán giả có yếu tố quyết định đến việc loại bỏ truyền thông bẩn ra khỏi cộng đồng. 

Truyền thông bẩn gây hại cho hệ giá trị của xã hội, chỉ mang lại lợi ích cho những đối tượng sử dụng nó. Vì thế, chúng ta cần có sự tẩy chay, không tương tác với những nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức, đồng thời lên án mạnh mẽ những đối tượng sử dụng truyền thông bẩn làm công cụ để đánh bóng tên tuổi hoặc kiếm chác lợi ích vật chất. Có như vậy, truyền thông bẩn mới không còn “đất diễn” như thực tế hiện nay.

>> Xem thêm: Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *