NÊN LÀM THUÊ HAY LÀM CHỦ?

Có một câu hỏi kinh điển mà nhiều người, nhiều thế hệ vẫn đi tìm câu trả lời thỏa đáng nhất, đó là: nên làm thuê hay làm chủ ? Nó được nhiều người quan tâm vì hầu như ai cũng ít nhất một lần trong đời phải suy nghĩ, trăn trở để tìm ra câu trả lời. Và mỗi người rồi cũng đều có kiến giải cho riêng mình về vấn đề này.

Câu trả lời không có đúng, có sai mà nó là sự phù hợp. Sự trải nghiệm khác nhau sẽ mang đến câu trả lời khác nhau. Bằng bài viết này, Hải cũng muốn đóng góp một kiến giải cho câu hỏi kinh điển này bằng góc nhìn và trải nghiệm của riêng mình.

Khi mới tốt nghiệp đại học thì nên làm thuê hay làm chủ?

Thông thường, sau khi tốt nghiệp ai cũng sẽ đi làm thuê đâu đó vài năm, có thể cả chục năm sau đó mới tính đến chuyện khởi nghiệp. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp khởi nghiệp từ rất sớm, đặc biệt là các bạn trẻ ngày nay có suy nghĩ mới đầy táo bạo. Họ có thể khởi nghiệp trong khi còn ngồi trên ghế giảng đường hoặc ngay sau khi ra trường hoặc cũng có thể chỉ sau khoảng thời gian ngắn trải nghiệm làm thuê.

Không tính đến những người có  sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ gia đình về nguồn lực tài chính, mối quan hệ, kinh nghiệm. Chỉ xét đến những trường hợp khởi nghiệp tự thân thì cũng chưa có thống kê nào chỉ ra tỷ lệ phần trăm thành công của những người khởi nghiệp sớm, so với những người khởi nghiệp muộn hơn. Tuy nhiên, nếu dùng phân tích logic thì dễ thấy một vài điều sau.

nên làm thuê hay làm chủ

Khởi nghiệp là công việc quản lý, vận hành một bộ máy vì thế những người đứng đầu cần rất nhiều kiến thức, cả chuyên môn lẫn quản trị. Do đó, những người đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về quản trị, chuyên môn, giao tiếp,…sẽ có cơ hội thành công cao hơn những người chưa có hoặc ít kinh nghiệm. Tất nhiên, luôn có những trường hợp đặc biệt không đi theo logic nào mà vẫn thành công vang dội, các trường hợp này không dễ để lý giải và thường quy về 2 lý do chính là: tài năng hoặc gặp thời hoặc cả hai.

Còn đại đa số chúng ta, phải cần tích lũy nhiều thứ trước khi tính đến trả lời câu hỏi làm thuê hay làm chủ. Và cách tích lũy tốt nhất chính là đi làm thuê, khoảng thời gian này bạn tích lũy được tài chính, học hỏi được kinh nghiệm chuyên môn, được va chạm với nhiều phong cách làm việc, quản lý…hoặc đôi khi chỉ là cách làm một báo cáo chỉn chu hay cách sử dụng chiếc máy photo. 

Tất cả đều cần học mà học phải cần thời gian, đốt cháy giai đoạn sẽ khiến bạn có nhiều lỗ hổng về kinh nghiệm và nó có thể sẽ khiến bạn gặp bất lợi trong việc khởi nghiệp ở tương lai. Vì thế, việc nên làm trước khi tính đến việc làm thuê hay làm chủ, đó là hãy đi làm thuê để có đủ trải nghiệm và tích lũy đủ kinh nghiệm, nguồn lực, đây sẽ là nền tảng cơ bản và vững chắc để bạn có thể thành công khi làm chủ sau này.

Chủ động chuẩn bị với mục tiêu làm chủ

Mỗi người cần có mục tiêu để phấn đấu, để tiến lên và có nhiều mục tiêu, ở nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Có mục tiêu mua nhà, mua xe, du học, lấy vợ, sinh con,…và trong số này cũng có một mục tiêu khá phổ biến đó là: có một ngày sẽ làm chủ một doanh nghiệp hoặc chỉ một cửa hàng nhỏ, miễn là của mình, do mình làm chủ, không phải đi làm thuê nữa.

Mong muốn làm chủ không có gì sai, nó là một mong muốn sẽ tạo ra những hành động tích cực. Nó thúc đẩy người ta học hỏi chủ động hơn, nhiều hơn, giúp chúng ta chín chắn nhanh hơn. Với những mặt tích cực đó, bạn hãy mạnh dạn đặt mục tiêu làm chủ nếu muốn, hãy phấn đấu vì nó vì chắc chắn nó sẽ mang đến đến những điều tốt đẹp, kể cả khi bạn chưa thành công.

Lúc này, không còn là câu hỏi làm thuê hay làm chủ nữa mà nó sẽ là nên thử làm chủ một lần, khi bạn đã đủ kinh nghiệm và điều kiện cho phép. Thế nên, từ khi bắt đầu đi làm, hãy có một mục tiêu là được làm chủ, chủ động chuẩn bị cho nó. Bạn sẽ thấy mình tiến bộ nhanh hơn khi luôn giữ được mục tiêu này trong đầu.

>>> Sự thật khi khởi nghiệp mà ít người chia sẻ

Thất bại không có gì đáng xấu hổ, chỉ xấu hổ khi chúng ta không thu được gì từ thất bại đó

Khi quyết định làm chủ, câu nói bạn thường xuyên được nghe là khởi nghiệp rất khó khăn, dễ thất bại, đầy chông gai, cô độc,…Hoàn toàn đúng, theo thống kê không chính thức thì 95% job khởi nghiệp sẽ thất bại, nó quả thực là con số phũ phàng. Nhưng tại sao khi gần như nắm chắc phần thất bại, bạn vẫn rất nên thử làm chủ ít nhất một lần? Đó là những cái bạn sẽ thu được từ thất bại đó, nó rất có giá trị.

Thứ nhất, bạn sẽ có được những bài học lớn, kiến thức kinh doanh “ xương máu” để có thể triển khai các job khởi nghiệp sau tốt hơn. Những bài học về thị trường, khách hàng, marketing, vận chuyển,…vân vân và mây mây là những thứ sẽ cực kì hữu ích cho những job kinh doanh sau, và tất nhiên nó cần được đúc rút từ những trải nghiệm thực tế, chứ không phải ai nói cho bạn.

bài học thu được từ làm thuê hay làm chủ

Thứ hai, bạn sẽ biết quý trọng công việc làm thuê hơn, thông cảm hơn với ông chủ công ty mình, khi bạn quyết định dừng lại không phiêu lưu nữa. Những việc bạn đã trải qua khi làm chủ cũng chính là những việc ông chủ của bạn đã trải qua và có khi ông chủ của bạn còn có những trải nghiệm khó khăn hơn nhiều. Từ đó, bạn sẽ hiểu, đồng cảm hơn với sự nỗ lực của chủ doanh nghiệp khi phải duy trì hoạt động của một bộ máy.

Thứ ba, bạn sẽ thu lượm được những kiến thức đa dạng để phục vụ cho công việc làm thuê sau này. Kiến thức về chuyên môn cùng ngành nghề sẽ giúp ích nhiều cho bạn, còn kiến thức kinh doanh sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn dù bạn không tiếp tục theo đuổi job kinh doanh.

Thứ tư, bạn sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời, được ăn ngủ, trăn trở cùng job khởi nghiệp. Buồn bã, trăn trở khi tìm kiếm khách hàng, phấn khích tột độ khi có đơn hàng đầu tiên, phấn khởi khi nhìn thấy đơn hàng đều…hoặc cũng có thể gục ngã nhưng rồi bình tâm trở lại khi job kinh doanh phải dừng. Đó là tất cả những cung bậc cảm xúc bạn có thể sẽ được trải qua. Trải nghiệm này sẽ là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời, với quãng thời gian nhào nặn đứa con tinh thần của mình.

Hãy biết điểm dừng và chọn công việc mang lại giá trị nhiều nhất

Cuối cùng, để giải đáp câu hỏi nên làm thuê hay làm chủ, bạn hãy bình tâm và suy xét một cách thấu đáo xem mình có thực sự phù hợp với làm chủ hay không. Mỗi người có năng lực, sở trường, sở đoản khác nhau nên không thể cố chấp theo đuổi cái không phù hợp với mình. Nếu cố gắng theo đuổi, bạn chỉ chuốc lấy thất bại, sự buồn bã và quan trọng là không mang lại nhiều giá trị của xã hội và cho chính bản thân.

không quan trọng làm thuê hay làm chủ mà chọn công việc tạo ra giá trị

Hãy vẫn đặt mục tiêu và trải nghiệm làm chủ, nếu thành công, quá tốt. Nếu không thành công, một lần, hai lần, rồi nhiều lần thì bạn cần cân nhắc, suy xét một cách nghiêm túc việc kinh doanh có phù hợp với năng lực của mình hay không. Làm chủ không phải con đường duy nhất để tạo ra giá trị, nếu phù hợp thì việc làm thuê còn có thể tạo ra giá trị cao hơn nhiều so với làm chủ. Mấu chốt vẫn là tìm được việc phù hợp, đúng năng lực để tạo ra giá trị tốt nhất chứ không phải là làm thuê hay làm chủ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *