MẠN ĐÀM: MỤC ĐÍCH CỦA KINH DOANH LÀ GÌ?

Chắc hẳn ai đã từng kinh doanh, khởi nghiệp đều có trong đầu câu hỏi: mục đích của kinh doanh là gì? Đáp án vừa dễ mà cũng vừa khó, dễ vì nó theo mục tiêu của mỗi người, khó vì mục tiêu đó liệu có phù hợp, có phải chân lý đúng đắn để chúng ta nỗ lực phấn đầu cả cuộc đời. Sau đây, Hải xin phép được phân loại mục đích của kinh doanh thành mấy loại sau đây.

mục đích của kinh doanh là gì

Kinh doanh để có trải nghiệm thực tế.

Sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc mới ra trường, hoặc những người trẻ tuổi có đam mê kinh doanh. Đây chính là những đối tượng cần có trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế để có thể triển khai các job kinh doanh trong tương lai. Kinh doanh lúc này không có áp lực vì không ngại chuyện thành bại, lỗ lãi mà mục tiêu là làm quen với thường trường.

Job kinh doanh có thể chỉ là mở quán trà đá đầu ngõ, hoặc điều hành công ty do mình lập ra. Dù quy mô là thế nào thì những trải nghiệm kinh doanh mang lại cũng rất quý giá cho chặng đường khởi nghiệp sau này. Tuy nhiên, kinh doanh mà áp lực doanh thu, lợi nhuận gần như không có thì chưa thể gọi là kinh doanh, sẽ cần trải nghiệm thực tế nhiều hơn nữa để có cái nhìn chân thực về thương trường.

Kinh doanh vì muốn thoải mái, chán ghét sự gò bó

Sau nhiều năm đi làm thuê, đã chán cảnh chấm vân tay, báo cáo, deadline, sếp khiển trách,…vân vân mây mây. Nói tóm lại là chán sự gò bó, làm việc trong khuôn khổ, những người trong hoàn cảnh này sẽ nghĩ tới việc kinh doanh để giải tỏa tất cả. Mục đích của kinh doanh là đem lại sự tự do trước mắt, mình là chủ, không còn bị ai kiểm soát. Còn chuyện thành bại, doanh thu lợi nhuận tính sau.

Có những người Hải biết, sự nghiệp đang chênh vênh, mất định hướng, họ tìm đến kinh doanh như một hướng giải thoát, một phao cứu sinh để được “tung hoành” cùng ước mơ. Họ như đã tìm ra chân lý và đặt nhiều hi vọng vào hướng đi mới này, niềm tin về sự thoải mái, tự do mà họ đã chờ đợi bao lâu nay.

mục đích kinh doanh thoát khỏi sự gò bó

Nhưng kinh doanh muốn thành công thì điều đầu tiên là tự tạo ra kỉ luật cho chính mình. Khách hàng không cần nhắc bạn, bạn phải tự giao hàng đúng hẹn, khách hàng cũng không nhắc về uy tín, tự bạn phải luôn đau đáu với điều đó, bằng không họ cũng không cần than phiền, họ chỉ cần bỏ đi không quay lại với bạn nữa mà thôi.

Thế nên, nếu mục đích của kinh doanh là thoát khỏi sự gò bó thì sẽ là một sai lầm trong tư duy. Kinh doanh sẽ cần mức độ kỷ luật cao hơn làm thuê rất nhiều, nếu không thể tự kiểm soát và tạo ra khuôn khổ cho chính mình thì chắc chắn bạn không thể đi xa trong kinh doanh.

Kinh doanh để kiếm được nhiều tiền

Kiếm được thật nhiều tiền để thoát khỏi khó khăn và vươn lên địa vị xã hội cao hơn có lẽ là mục tiêu chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong mục đích của kinh doanh. Có rất nhiều doanh nhân thành đạt có chia sẻ: họ khởi nghiệp vì lúc đó quá nghèo, chỉ có con đường kinh doanh mới giúp họ thoát nghèo, làm giàu.

Xuất phát điểm của những doanh nhân này cũng là những người làm thuê bình thường, nhưng làm thuê thì rất khó giàu, chứ đừng nói là rất giàu, thế nên họ quyết định khởi nghiệp. Đây là một động lực lớn để kinh doanh thành công, lúc này sẽ là cuộc chiến thực sự trên thương trường, mọi bài học hay sai lầm đều được đánh đổi bằng tiền bạc và công sức chứ không đơn giản chỉ là trải nghiệm.

Lòng tham tồn tại trong mỗi còn người, kinh doanh đa cấp biến tướng dựa vào điều này

Mục đích của kinh doanh là kiếm tiền, nó chính đáng và không hề sai trái nhưng nếu không có giới hạn về đạo đức và chính trực trong kinh doanh thì các doanh nhân rất dễ bất chấp vì đồng tiền, sử dụng mọi cách kể cả vi phạm pháp luật để kiếm tiền. Nhất là khi lòng tham của con người thường không có giới hạn, không thể biết thế nào là đủ. Vì thế nếu mục đích của kinh doanh là kiếm tiền thì cần có giới hạn và biết “điểm dừng”, có như vậy nó mới là chính đáng và hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp.

Kinh doanh để xây dựng đế chế của riêng mình

Một trường hợp khác, khi tài chính đã dư dả, cũng có thể là đã ở ngưỡng tự do tài chính nhưng họ vẫn tìm đến kinh doanh, vì sao? Lúc này mục đích của kinh doanh rõ ràng không phải là tiền mà nó là hoài bão xây dựng được cái gì đó cho riêng mình, của mình và không phụ thuộc vào một ai khác kể cả gia đình.

Đây cũng là một động lực rất tốt để những người đã đầy đủ về vật chất, dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình, hướng đến những điều lớn lao hơn. Không gì tuyệt vời hơn khi được tự tay nhào nặn đứa con tinh thần của chính mình, chăm chút nó, nhìn nó phát triển từng ngày, rồi nỗ lực không ngừng để một ngày nào đó nó sẽ trở thành một đế chế của riêng bạn.

Mục đích của kinh doanh là lớn lao nhưng hiện thực hóa được nó lại là vấn đề hoàn toàn khác. Không phải ai cũng có năng lực kinh doanh, mặt khác kinh doanh là một hàm số quá nhiều biến, nó thay đổi khôn lường. Mặt khác, những người dư dả tài chính, cùng với sự nóng vội khi muốn sớm xây dựng được “đế chế” thường có tư duy thiếu thực tế.

mục đích của kinh doanh là tạo đế chế của riêng mình

Họ thường tập trung quá nhiều vào xây dựng hệ thống, quy trình vận hành, nóng vội mở rộng kinh doanh mà quên mất vấn đề sống còn phải là doanh thu và lợi nhuận. Nếu không thể đạt được điều cơ bản nhất đó là tồn tại trên thị trường thì không thể làm điều gì khác. Đây là một chân lý ai cũng biết nhưng có những lúc có người đã quên hoặc cố tình quên đi vì hành động “thủ dâm tinh thần” – mình đang hướng tới những điều lớn lao nên không quan trọng lỗ lãi ở thời điểm này.

Mục đích của kinh doanh là để có cuộc sống tốt đẹp hơn

Có nhiều mục đích của kinh doanh, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh và góc nhìn của mỗi người. Nhưng có lẽ bạn sẽ đồng ý với Hải, mục tiêu cuối cùng, cốt lõi, sâu thẳm của kinh doanh mà ai cũng hướng tới đó là làm cho cuộc sống của mình, người thân tốt đẹp hơn, sau đó có thể là địa phương và xã hội.

Tốt đẹp hơn nghĩa là phải thấy hạnh phúc hơn, lại quay về định nghĩa hạnh phúc sao? Không, chắc không cần có định nghĩa nữa. Nếu chúng ta nỗ lực, dành hết thời gian để kiếm thật nhiều tiền nhưng không có thời gian nghỉ ngơi, đến lúc mắc bệnh hiểm nghèo, tiền cũng không cứu nổi. Vậy đấy có phải hạnh phúc!? 

Hay tiền nhiều chất đống nhưng con cái không đoái hoài, khoán hết cho giúp việc hoặc vợ (chồng), chỉ biết quẳng cho nó đống tiền mua sắm thoải mái và đầu tư vật chất hết mức cho nó, nhưng không có thời gian trò chuyện hay tâm sự với nó. Bạn có thể đang hạnh phúc vì đạt được điều trong thế giới quan của mình, nhưng con bạn có đang hạnh phúc không!? và nó sẽ trở thành con người như thế nào trong tương lai?

mục đích của kinh doanh là tạo cuộc sống tốt đẹp hơn

Hoặc bạn cứ cố theo đuổi hoài bão đế chế của riêng mình hay tự do tài chính, tự do thời gian mà không chịu nhìn nhận vào thực tế rằng những job kinh doanh nối tiếp nhau thất bại, hay thu nhập từ những job kinh doanh rất bất ổn. Nó khiến kinh tế gia đình bạn lâm vào khó khăn, mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu nảy sinh, con cái không được đầu tư đúng mực. Như vậy, bạn đang hạnh phúc nhưng người thân bạn có hạnh phúc không?

Hải thấy rằng, mọi mục đích của kinh doanh đều được “phủ một tấm áo” đẹp đẽ đó là mang lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Nhưng thực sự chúng ta và người thân có hạnh phúc hay không, cuộc sống có tốt đẹp hơn không thì lại hay bị quên lãng. Vì thế, biết dừng lại đúng lúc là điều cực kỳ quan trọng trong việc xác định mục đích của kinh doanh. Mục đích cuối cũng vẫn là đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, nếu không kinh doanh cũng chỉ là một thứ ích kỷ và vô giá trị.

>>> Sai lầm nghiêm trọng trong tư duy kinh doanh bạn cần biết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *