CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN TRONG KHỞI NGHIỆP KINH DOANH

Lãng mạn là khái niệm thường chỉ dùng cho các lĩnh vực nghệ thuật, khi tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, xa rời cuộc sống thực tại. Nó phần nào phản ánh được ước mơ của một bộ phận tầng lớp trong xã hội về một cuộc sống đẹp đẽ, có phần không tưởng. Những nghệ sĩ được phép thả hồn vào những tác phẩm, giải thoát khỏi thực tại, vậy các doanh nhân thì sao, họ có được phép lãng mạn?

chủ nghĩa lãng mạn trong khởi nghiệp kinh doanh

Cùng là những con người thì ắt hẳn đều có tâm hồn, tình cảm, vậy nên những người khởi nghiệp kinh doanh cũng được quyền bay bổng “trong khuôn khổ”, chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào lý tính. Chút mơ mộng, viển vông đôi khi lại là một chất xúc tác giúp họ có một động lực mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nếu xa rời thực tế, doanh nghiệp lại khó tồn tại và phát triển. Đây chính là hai mặt của một vấn đề mà Hải muốn chia sẻ với mọi người trong bài viết này.

Nguồn gốc chủ nghĩa lãng mạn trong văn học và nghệ thuật

Trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa lãng mạn được hình thành vào giai đoạn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, khởi phát từ các nước Châu Âu sau đó lan ra toàn thế giới. Chủ nghĩa lãng mạn bắt nguồn từ sự bất mãn, thất vọng của các tầng lớp nhân dân đối với xã hội sau các cuộc cách mạng tư sản.

Với khẩu hiệu mang lại tự do- bình đẳng- bác ái, nhưng kết quả các cuộc cách mạng tư sản : chỉ là sự lừa bịp và dối trá – theo Friedrich Engels. Chính sự thất vọng của nhân dân vì những điều mình hi vọng đã không trở thành hiện thực, ở khía cạnh nào đó nó còn tồi tệ hơn chế độ xã hội cũ. Vì thế, các tầng lớp nhân dân có tư tưởng chối bỏ, phủ nhận thực tại do xã hội mới đã không đáp ứng được những điều cơ bản, cốt lõi đó là tự do và bình đẳng.

Tầng lớp quý tộc thuộc chế độ phong kiến cũ bất mãn với chế độ mới vì các đặc quyền, đặc lợi của họ đã bị xóa bỏ. Họ luyến tiếc thời hoàng kim và hoang mang, lo sợ trước các phong trào của tầng lớp vô sản. Một bộ phận tầng lớp tiểu tư sản bị phá sản khi cách mạng nổ ra, của cải gần như mất hết, nên tâm trạng của họ cũng hết sức bi quan về chế độ mới.

Từ sự hoài niệm, muốn được lấy lại các quyền lợi của giai cấp trong xã hội phong kiến, những nhà văn nghệ sĩ của của tầng lớp quý tộc có khuynh hướng quay lại quá khứ, quay lại chế độ cũ với cuộc sống đẹp đẽ. Khuynh hướng tiêu cực này muốn khôi phục chế độ cũ, với đức tin là nhà thờ và với mong ước có lại được thời kỳ hoàng kim của mình.

khởi nghiệp kinh doanh trong văn học

Những tầng lớp khác của xã hội về cơ bản ủng hộ cuộc cách mạng tư sản, với kỳ vọng mang đến những thay đổi căn bản và tích cực ở chế độ mới. Tuy nhiên, họ đã thất vọng với thành quả của cuộc cách mạng, nó đã không như những gì thể hiện ở khẩu hiệu và họ mong muốn. Vì thế, tâm lý chán ghét, không chấp nhận thực tại là tâm lý chung của tầng lớp này.

Với đa số quần chúng, dù họ thất vọng với kết quả của cách mạng tư sản, nhưng họ không bị rơi vào tâm trạng bi đát không lối thoát như tầng lớp quý tộc. Họ mơ ước đến một xã hội tốt đẹp hơn, nơi không còn áp bức bất công mà thực sự sẽ có tự do và công bằng. Các nghệ sĩ ở tầng lớp này có khuynh hướng tích cực hơn vì họ nghĩ theo chiều hướng phát triển của tương lai, theo đúng sự vận động của quy luật thời gian thực.

Chủ nghĩa lãng mạn đề cao sự tự do và mộng tưởng, các nghệ sĩ theo chủ nghĩa này được thoát khỏi mọi sự ràng buộc đạo đức xã hội để bay bổng, đắm chìm trong thế giới màu hồng đẹp đẽ của trí tưởng tượng. Một thế giới có phần mộng mơ, thiếu thực tế nhưng nó giúp xoa dịu sự mất mát, bi đát và nỗi thất vọng của các tầng lớp trong xã hội. Chỉ có tạm thoát khỏi thế giới thực tại bằng tâm tưởng, tìm đến với thế giới ảo mộng, mới thực sự là liều thuốc hiệu quả của các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn này.

Khái niệm chủ nghĩa lãng mạn trong khởi nghiệp kinh doanh

Trong khởi nghiệp kinh doanh, chủ nghĩa lãng mạn không phải là một khái niệm rõ ràng như trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, chủ nghĩa lãng mạn được thể hiện qua “chất lãng mạn” trong các hoạt động của nó, hay nói cách khác, những doanh nhân cũng có sự lãng mạn riêng qua mục tiêu và chiến lược kinh doanh của mình.

Bằng những câu chuyện thương hiệu, tầm nhìn, sứ mệnh của mình, các doanh nghiệp đều có những mục tiêu và triết lý sâu sắc, cao cả. Nó luôn hướng tới tầm vĩ mô, có sức lan tỏa toàn xã hội, chứ không chỉ hướng tới một nhóm nhỏ là tệp khách hàng của mình. Qua những giá trị tốt đẹp mà doanh nghiệp thể hiện trong sứ mệnh của mình, người tiêu dùng thấy trân trọng, có cảm tình với thương hiệu hơn ngoài việc thương hiệu đã đáp ứng được một nhu cầu của khách hàng.

TH true milk với sứ mệnh vì tầm vóc Việt, FPT với khát vọng xuất khẩu phần mềm, Trung Nguyên muốn biến cafe thành văn hóa,…đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho chất lãng mạn trong khởi nghiệp kinh doanh. Nhưng có điều, câu chuyện này đôi khi được viết khi doanh nghiệp đã có chỗ đứng nhất định trên thương trường, chứ không phải ngay từ buổi sơ khai khởi nghiệp.

khái niệm lãng mạn trong khởi nghiệp kinh doanh

Hiện tại, doanh nghiệp đã thực sự lớn, thương hiệu đã thực sự mạnh thì những câu chuyện lãng mạn về tầm nhìn, sứ mệnh nghe thật có lý và tuyệt vời. Chúng ta đều thấy rằng những chủ doanh nghiệp đó thật có tầm nhìn, có khát khao hoài bão và có sự kiên định trên chặng đường đầy khó khăn đã đi qua. Nhưng thực sự, những tầm nhìn sứ mệnh, hoài bão đó đều đã có khi bắt đầu, hay lúc đó khởi nghiệp kinh doanh chỉ với một giấc mơ giản dị là làm giàu cho chính mình và đội ngũ hay cho cuộc sống bớt khổ. Điều này có lẽ chỉ những founder của doanh nghiệp mới biết rõ!?

Chất lãng mạn trong kinh doanh sẽ trở thành thiếu thực tế, thành trò cười để mọi người mang ra dè bỉu, chế nhạo nếu job thất bại. Điển hình là trường hợp của chiếc điện thoại Bphone – made in Việt Nam, nó được chủ tịch BKAV giới thiệu là “không thua kém gì Iphone” và nhiều từ ngữ mỹ miều khác. Đây rõ ràng là những tuyên bố “đầy chất thơ” về sản phẩm, những tuyên bố được đánh giá là quá mơ mộng khi sản phẩm vừa ra mắt và kiểm chứng thực tế là đại đa số mọi người đã đúng vì hiện tại sản phẩm đã không còn có mặt trên thị trường.

Nếu sản phẩm này thực sự tốt và chiếm được thị phần lớn trên thị trường thì có lẽ sự lãng mạn của anh Quảng “nổ” đã làm người ta ngả mũ thán phục về tầm nhìn và khát vọng vươn tầm thế giới của mình. Nhưng cuộc đời lại không có chữ nếu, mọi thứ đã qua thì không thể lấy lại được, Bphone mãi là trò cười cho mọi người cho đến suốt về sau, ít nhất cho đến khi nó trở lại là thành công hơn những phiên bản cũ.

Lãng mạn giúp doanh nhân giữ được động lực

Chủ doanh nghiệp luôn là người chịu áp lực lớn nhất, đầu tiên là chịu trách nhiệm duy trì hoạt động của bộ máy, cụ thể là duy trì nguồn tài chính để trả lương nhân sự, trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền đối tác và rất nhiều khoản tiền khác. Kế đến là áp lực phải thành công, khi xã hội, bạn bè, người thân luôn nhìn vào với nhiều mong muốn khác nhau. Thành công trong kinh doanh mới là đích đến cuối cùng của mỗi doanh nhân, trong đó tiền bạc chỉ là thước đo bề nổi dễ nhìn thấy, còn thực chất xây dựng được một “đế chế” cho riêng mình mới là mong muốn sâu thẳm của mỗi người khởi nghiệp kinh doanh.

Tuy nhiên, thất bại dường như lại là điều tất yếu trong khởi nghiệp kinh doanh. Ai đã khởi nghiệp hầu như đều đã trải qua thất bại và chính những thất bại đó đã giúp những doanh nhân tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, dạn dày hơn trên thương trường. Chính trong những thời khắc khó khăn, khi phải đối mặt với thất bại thì sự động viên của xã hội, gia đình và quan trọng nhất là sự động viên chính mình của các doanh nhân đã giúp họ đứng dậy.

Khởi nghiệp kinh doanh luôn là con đường chông gai với tất cả mọi người. Trên con đường đó, có những lúc con người cảm thấy cô đơn và mệt mỏi, năng lượng sụt giảm, không còn đủ động lực để bước tiếp nữa. Chính lúc này, chất lãng mạn trong định hướng chiến lược ban đầu của job kinh doanh sẽ tiếp thêm năng lượng, kéo founder tiếp tục tiến về phía trước.

lãng mãn giúp khởi nghiệp kinh doanh

Những hoài bão, mục tiêu có phần bay bổng về trách nhiệm cộng đồng, xã hội hay ý nghĩa cao cả giúp đỡ những phận đời éo le, sẽ tạm khỏa lấp những khó khăn về tình hình kinh doanh, giúp các doanh nhân được tiếp thêm động lực mạnh mẽ và giữ vững niềm tin như thuở ban đầu khởi sự. Nếu kinh doanh lúc nào cũng phân tích bằng lý trí, bằng kết quả doanh thu, bằng các con số thì đôi khi những doanh nhân sẽ bị nghiền nát bởi áp lực hoặc vặt kiệt sức lực, lúc này sự mộng tưởng là một giải pháp không thể tốt hơn để họ thoát khỏi tình trạng này.

Quay lại trường hợp của Bphone, có thể chính chất lãng mạn trong tầm nhìn của vị chủ tịch đã giúp job kinh doanh duy trì được thời gian không hề ngắn là 5 năm và với 4 lần nâng cấp ra mắt sản phẩm mới.. Trong quãng thời gian này, chưa một lần Bphone có tín hiệu được thị trường đón nhận tích cực, tuy nhiên người sáng lập vẫn có một niềm tin sắt son rằng mình sẽ thành công. Nếu sử dụng lý trí, có lẽ Bphone đã dừng ngay ở version 1 hoặc 2, nhưng sự lãng mạn đầy chất thơ, với hoài bão Việt Nam sẽ có smartphone của riêng mình, đã giúp người doanh nhân tiếp tục tiến bước, bỏ ngoài tai mọi đàm tiếu của người đời.

Nhưng lãng mạn cũng có thể kéo kinh doanh xa rời thực tế

Doanh nhân cần sự lãng mạn để giữ được động lực tiến bước, nhưng thương trường lại là nơi cần sự thực tế, hiệu quả. Khởi nghiệp kinh doanh luôn phải bám sát những con số để thấy được tình hình hoạt động của bộ máy, qua đó doanh nghiệp sẽ cải thiện từng ngày để hướng tới trạng thái tối ưu hơn. Khởi nghiệp kinh doanh không phải chỗ để founder mãi đắm chìm trong mộng tưởng, với tâm hồn của nghệ sĩ và những quyết sách xa rời thực tế.

Lý tưởng khởi nghiệp có thể lãng mạn nhưng mục tiêu cần hết sức thực tế và rõ ràng. Vì lý tưởng là một sứ mệnh mà chủ doanh nghiệp ước mơ đạt được, nó lớn lao và là cốt lõi sâu thẳm mà chủ doanh nghiệp muốn hướng tới. Lý tưởng phản ánh thế giới quan và mong muốn của các người đứng đầu doanh nghiệp hoặc các founder. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp cần một đội ngũ để hiện thực hóa lý tưởng và đội ngũ này về cơ bản sẽ không có cùng lý tưởng như founder. Đội ngũ không cần lý tưởng, hoài bão to tát mà cần một mục tiêu cụ thể để hành động.

Một mục tiêu khởi nghiệp kinh doanh không rõ ràng hoặc mơ mộng sẽ chủ doanh nghiệp và đội ngũ dễ rơi vào tình trạng hoang mang, hoài nghi. Ngược lại, một mục tiêu thực tế, gần với lợi ích của cả đội ngũ sẽ tạo động lực mạnh mẽ để từng thành viên nỗ lực hết sức mình vì thành quả chung. Ví dụ, khi khởi nghiệp kinh doanh, mục tiêu mang lại hạnh phúc cho đối tượng yếu thế trong xã hội hay cải thiện đời sống cho những người lao động chân tay, chắc chắn sẽ không phải là những điều thực tế, nó quá viển vông, mơ mộng để cả đội ngũ đặt trọn niềm tin và nỗ lực biến nó thành hiện thực.

lãng mạn khởi nghiệp kinh doanh kéo doanh nghiệp xa rời thực tế

Câu chuyện khởi nghiệp ở FPT là một ví dụ điển hình về mục tiêu thực tế. Mục tiêu thành lập FPT là để có tiền nuôi sống vợ con và tiếp tục làm khoa học – theo chia sẻ của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch, người đồng sáng lập doanh nghiệp này. Vì cuộc sống quá khó khăn nên ông và những người cộng sự đã tìm đến con đường khởi nghiệp với mong muốn rất giản dị nhưng cũng rất thực tế, đó là có thêm thu nhập để lo cho gia đình. Chính sự cụ thể, rõ ràng và thực tế này khiến toàn bộ đội ngũ FPT lúc đó đồng lòng, nỗ lực và đến hôm nay họ đã thực sự gây dựng được một đế chế bằng một khát vọng làm giàu chính đáng.

Tạm kết

Lãng mạn hóa mục tiêu chính là điều tối kỵ trong khởi nghiệp kinh doanh. Chúng ta có có một lý tưởng khởi nghiệp mơ mộng, có phần viển vông nhưng mục tiêu cần thực tế và cụ thể. Sự lãng mạn trong hoài bão, tầm nhìn có thể giúp chúng ta tạm quên đi những yếu kém, hạn chế trong kết quả kinh doanh, lấy lại cân bằng và động lực để chủ doanh nghiệp có thể bước tiếp, giữa áp lực, khó khăn đang bủa vây.

Nhưng sự lãng mạn trong hành động sẽ làm suy yếu doanh nghiệp nhanh chóng vì thương trường không phải chỗ cho các nghệ sĩ mộng mơ. Chỉ có sự sát xao với các số liệu kinh doanh mới mang đến sự cải thiện và phát triển cho doanh nghiệp, ngược lại khi khởi nghiệp kinh doanh mà đã đặt mục tiêu quá lớn lao sẽ khiến chính người sáng lập và đội ngũ mất phương hướng, chán nản và bỏ cuộc.

Một sứ mệnh, tầm nhìn nặng tính triết lý và đậm chất lãng mạn chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn, đã có chỗ đứng trên thị trường. Câu chuyện của họ lúc này như một thứ gia vị làm tăng thêm giá trị thương hiệu và thúc đẩy lòng trung thành thương hiệu của tệp khách hàng cũ. Còn đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp kinh doanh, có lẽ những mục tiêu thiết thực về doanh thu, lợi nhuận sẽ phù hợp hơn.

>> Xem thêm: Sai lầm về tư duy kinh doanh khởi nghiệp cần tránh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *