MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÔNG BẰNG TRONG DOANH NGHIỆP VÀ CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP KINH DOANH

Trong cuộc sống, công bằng luôn là điều mong mỏi của tất cả mọi người, từ người có địa vị cao đến những người bần cùng trong xã hội. Mong muốn được đối xử công bằng ở trên bình diện quốc tế, công bằng trên đất nước của mình, công bằng trong tổ dân phố hay công bằng trong doanh nghiệp – nơi mình đang làm việc là những điều cơ bản nhất, không chỉ của cá nhân mà còn của các công ty, tổ chức.

Công bằng cũng là tính từ được hiến pháp Việt Nam và nhiều quốc gia nhắc đến. Từ đó, chúng ta thấy công bằng là một mong muốn sơ khai, cơ bản nhưng cốt lõi nhất của con người trong mọi thể chế hay tổ chức, trong đó có mô hình doanh nghiệp. Thật vậy, công bằng trong doanh nghiệp vẫn luôn là một tiêu chí để nhân sự đánh giá cũng như quyết định gắn bó lâu dài hay không, nó cũng là vấn đề mà chủ doanh nghiệp luôn đau đáu thực hiện để có thể giữ chân được nhân tài.

công bằng trong doanh nghiệp

Nhưng công bằng cũng là một khái niệm khá trừu tượng, mang tính chất tương đối, bởi vì thường người ta chỉ thấy công bằng khi sự việc có lợi cho mình và thấy không công bằng khi sự việc gây bất lợi cho mình. Một việc, một cách giải quyết có thể mang tới công bằng cho người này nhưng sẽ gây ra sự mất công bằng cho người khác, dưới góc nhìn của từng đối tượng chịu tác động. Ở bài viết này, Hải không muốn phân tích khái niệm công bằng trong cộng đồng, mà chỉ xin phép đề cập đến một khía cạnh nhỏ đó là công bằng trong doanh nghiệp.

Khái niệm công bằng trong doanh nghiệp

Trong mội trường doanh nghiệp, công bằng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tinh thần làm việc, cũng như nâng cao hiệu suất của các nhân sự trong tổ chức. Khi doanh nghiệp thiết lập được một môi trường làm việc công bằng, mọi nhân sự sẽ tự nguyện cống hiến bằng hết khả năng lực của mình. 

Ngược lại, nếu không có công bằng trong doanh nghiệp, nhân sự sẽ dễ rơi vào tình trạng bất mãn, làm việc đối phó, dẫn đến giảm sút hiệu suất làm việc nghiệm trọng.Công bằng trong doanh nghiệp được thể hiện qua 2 khía cạnh cơ bản, đó là công bằng trong phân chia công việc và đánh giá nhân sự.

Công bằng trong phân chia công việc là mong muốn của nhân sự được giao nhiệm vụ, khối lượng công việc phù hợp với năng lực của mình, cũng như đồng đều giữa những người đồng cấp. Giao việc quá nhiều hay quá ít của cấp quản lý đối với một nhân sự đều tiềm ẩn sự bất công, khiến nhân sự không có tâm thế tốt nhất khi nhận nhiệm vụ. 

Một nhân sự năng lực bình thường nhưng lại bị giao cho rất nhiều công việc, những người khác trong phòng nhàn nhã, thảnh thơi thì nhân sự đó sẽ thấy áp lực, mệt mỏi. Hoặc một người có năng lực cao nhưng lại được giao rất ít việc, họ sẽ cho rằng mình không được trọng dụng ở công ty, cũng như không có môi trường để phát huy tối đa khả năng của mình, họ sẽ rơi vào tình trạng nhàm chán mỗi ngày đi làm. Để xảy ra một trong hai trường hợp trên, đều không tốt cho nhân sự cũng như chính tổ chức vì đã không tạo được sự công bằng trong doanh nghiệp.

khái niệm công bằng trong doanh nghiệp

Công bằng trong đánh giá nhân sự là điều tối quan trọng của chủ doanh nghiệp và các cấp quản lý khi nhìn nhận cấp dưới của mình. Nó quyết định đến các lợi ích trực tiếp nhân sự nhận được từ doanh nghiệp như tăng lương, thưởng, thăng cấp, kỷ luật…và phụ thuộc vào sự công tâm của các cấp quản lý và quy trình đánh giá nhân sự của tổ chức.

Đánh giá nhân sự thiên lệch luôn là vấn đề nhức nhối, khó giải quyết triệt để ở mọi doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ. Nó là mầm mống của tâm lý bất mãn của nhân sự khi họ cho rằng không có sự công bằng trong doanh nghiệp, cụ thể là sự cống hiến của họ không được cấp trên ghi nhận hoặc ghi nhận một cách không xứng đáng.

Thực sự có công bằng trong doanh nghiệp không

Những công ty lớn trên thế giới đã sớm nhận ra vấn đề mất công bằng trong doanh nghiệp là một vấn đề nghiêm trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc cũng như hiệu suất làm việc của từng nhân sự, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực của cả tổ chức. Vì thế, những công ty này đã cố gắng hạn chế tối đa sự thiên lệch trong đánh giá, phân công nhiệm vụ cho nhân sự, một trong số này là Google.

Tại Google, mọi đánh giá về nhân sự các cấp, kể cả vị trí CEO đều được dựa trên những số liệu đã được ghi nhận và lưu trữ trước đó. Google đã cố gắng tạo ra một quy trình đánh giá công khai, minh bạch và khoa học nhất, khi hoàn toàn dựa trên dữ liệu của từng nhân sự. Mỗi nhân sự được đánh giá dựa vào định lượng chứ không phải yếu tố định tính hay cảm tính của con người. Họ hiểu rằng, càng hạn chế được việc con người tác động vào kết quả đánh giá nhân sự thì kết quả đó càng chính xác và khách quan.

Tuy nhiên, Google cũng chỉ đã và đang cố gắng hạn chế yếu tố cảm tính của con người làm mất công bằng trong doanh nghiệp, chứ họ vẫn không thể triệt tiêu được hoàn toàn. Mặt khác, Google là một doanh nghiệp đứng đầu thế giới, cùng với sở trường là thu thập và quản lý dữ liệu. Với đầy đủ nguồn lực cũng như năng lực trong tay, họ có thể làm được như vậy, còn các doanh nghiệp khác thì sao?

Trở lại với thực tại ở Việt Nam, rất khó để doanh nghiệp nào đó làm được giống như Google. Có chăng, đâu đó một số doanh nghiệp cũng có thống kê chỉ số về nhân sự, nhưng số liệu này vẫn là con người làm và quan trong hơn việc đánh giá vẫn chủ yếu dựa trên những yếu tố phi số học, còn số liệu ghi nhận chỉ mang tính chất tham khảo. Cho dù quy trình có chặt chẽ, các cấp quản lý có thực sự công tâm thì cảm tính vẫn là yếu tố chi phối lớn đến kết quả đánh giá nhân sự.

Định kiến là một sắc thái của yếu tố cảm tính, nó là những ấn tượng đầu tiên đối với một người mà khó thay đổi theo thời gian, ở trong trường hợp này là của cấp quản lý với nhân sự cấp dưới. Điều này hoàn toàn tự nhiên và tuân theo tâm lý học thông thường, đó là ấn tượng đầu tiên về một người là một ấn tượng sâu sắc, khó bị xóa bỏ trong tâm thức, nó thường được não bộ dùng để định vị, phân biệt giữa các đối tượng với nhau.

không có công bằng trong doanh nghiệp

Sự thể diện chăm chỉ, ăn nói khéo kéo, nhiệt tình, thẳng thắn, chân thật,…vân vân và mây mây là những ấn tượng của cấp trên với cấp dưới chỉ sau lần tiếp xúc đầu tiên và nó gần như được mặc định gán cho nhân sự đó, không thay đổi trong suốt quá trình làm việc. Nhưng trên thực tế, nhân sự sẽ có những thay đổi trong nhận thức và sự thể hiện qua thời gian vì họ được trau dồi và tiếp xúc với nhiều người mới. 

Tuy nhiên, những thay đổi đó thường để lại ít ấn tượng hơn cái nhìn ban đầu về họ của cấp trên, do đó đánh đánh giá của cấp quản lý lúc này đã không còn được khách quan và chính xác nữa. Hay nói một cách khác, định kiến đã làm mất công bằng trong doanh nghiệp.

Quan hệ thân hữu lại là một dạng khác về ý niệm cảm tính. Những nhân sự có mối quan hệ quen biết ngoài công việc hoặc có tính cách hợp với cấp trên, chắc chắn sẽ được người quản lý ưu ái hơn trong đánh giá, nhìn nhận. Quan hệ thân hữu có thể khách quan, tính cách, phong cách làm việc có sự tương đồng, từ đó cấp dưới hiểu và “cùng tần số” với cấp trên hơn so với các nhân sự khác.

Nhưng quan hệ thân hữu chủ yếu lại đến từ yếu tố chủ quan, đó là cấp dưới chủ động làm hài lòng cấp trên bằng các cách thức ngoài công việc. Nịnh bợ, tránh nói lời mất lòng, thường xuyên tặng quà, hối lộ cấp trên là những biểu hiện của việc chủ động tạo mối quan hệ thân hữu này. Khi đã tạo được mối quan hệ kiểu này với cấp trên, cũng dễ hiểu khi họ được cấp trên tin tưởng, nâng đỡ trong công việc và đương nhiên nó cũng tạo ra sự không công bằng trong doanh nghiệp.

Tóm lại, sự công bằng trong doanh nghiệp một cách tuyệt đối là không thể có, vì nó bị chi phối, tác động bởi những yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Dù muốn hay không, con người vẫn là chủ thể quyết định chính đến việc công bằng trong doanh nghiệp, mà đã là con người thì không thể không bị ảnh hưởng bởi cảm tính. Mỗi nhân sự làm thuê đều nên xác định và vui vẻ chấp nhận điều này, từ đó điều chỉnh để mang lại sự hài hòa lợi ích cho chính mình cũng như doanh nghiệp mình đang đầu quân. 

Giải pháp tạo sự công bằng cho chính mình

Khi sự công bằng trong doanh nghiệp không tồn tại một cách tuyệt đối, chắc chắn nó ít nhiều gây ra sự bất mãn trong tâm lý của nhân sự. Ai cũng muốn được cấp trên ghi nhận một cách xứng đáng cho những đóng góp của mình cho tổ chức, nó được thể hiện bằng những phần thưởng tinh thần và vật chất. Một thực tế rằng, đa số nhân sự không thỏa mãn với những ghi nhận của doanh nghiệp, họ thường cảm thấy mình đang bị đối xử một cách bất công.

Để thay đổi tình trạng này là điều không dễ vì doanh nghiệp luôn muốn đóng góp của nhân sự phải gấp nhiều lần so với những lợi ích nhân sự nhận lại, chưa nói đến việc luôn có sự mất công bằng trong doanh nghiệp giữa các thành viên. Chính vì thế, không còn cách nào khác, nhân sự cần phải chấp nhận sự thật này hoặc tự tạo ra công bằng cho mình – đó chính là khởi nghiệp kinh doanh, đưa mình lên vị trí ông chủ.

giải pháp tạo công bằng trong doanh nghiệp

Khởi nghiệp kinh doanh đồng nghĩa với việc tuân theo quy luật thị trường, bạn không còn cấp trên hay ông chủ nữa, ông chủ lúc này chính là khách hàng, người sẽ trả lương cho bạn và đội ngũ. Bạn làm tốt, bạn sẽ nhận được thù lao xứng đáng là doanh thu, lợi nhuận. Ngược lại, khi kinh doanh đổ bể, chứng tỏ bạn đã làm chưa đủ tốt, năng lực còn hạn chế. Thị trường, người tiêu dùng là những người đánh giá khách quan và công tâm, không thiên vị.

Đây rõ ràng là một giải pháp tối ưu cho những người đang kiếm tìm sự công bằng trong doanh nghiệp. Quy luật thị trường luôn công bằng với bạn và tất cả những người khác. Chính vì sự công bằng gần như tuyệt đối này mà khởi nghiệp kinh doanh cũng sẽ rất khắc nghiệt, thị trường luôn có sự cạnh tranh gay gắt và quy luật đào thải khốc liệt, nó chỉ giữ lại những doanh nhân ưu tú nhất.

>> Xem thêm : Những sai lầm trong tư duy khởi nghiệp kinh doanh cần tránh

Tạm kết

Thay vì luôn phàn nàn, than vãn về sự mất công bằng trong doanh nghiệp, hay sếp đối xử thiên vị với một số người năng lực yếu kém hơn mình hay công ty không ghi nhận xứng đáng những đóng góp của mình. Nhân sự hãy chủ động tạo ra một môi trường công bằng cho chính mình bằng việc tự kinh doanh, tuân theo quy luật công bằng của thị trường.

Bởi vì, chắc chắn bạn sẽ không thể tìm kiếm được sự công bằng trong doanh nghiệp, nơi mà những đánh giá luôn bị chi phối bởi những yếu tố cảm tính chủ quan lẫn khách quan, nơi mà doanh nghiệp luôn muốn có lợi ích nhiều hơn trong mối quan hệ hợp tác với nhân sự. Lúc này, dám bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình để tiến vào thương trường, là một bước đi cần thiết, dù nó hứa hẹn không ít khó khăn, thử thách.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *