CÓ NÊN KHỞI NGHIỆP TUỔI 40?

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là khi đã bước sang tuổi trung niên. Khởi nghiệp tuổi 40 luôn là một lựa chọn khó khăn và có phần mạo hiểm, với nhiều rủi ro trên chặng đường phía trước. Tuy nhiên, đây cũng là một bước đi đầy can đảm, vượt lên trên tất cả, kiên định với con đường mình đã chọn để quyết định khởi nghiệp.

khởi nghiệp tuổi 40

Thành công hay không trên con đường đó không ai có thể biết trước, nhưng phân tích kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi đi đến quyết định là điều rất nên làm. Vì sự cẩn trọng sẽ giúp hạn chế tối đa những rủi ro khi khởi nghiệp tuổi 40. Lứa tuổi mà quỹ thời gian, cũng như áp lực cuộc sống không cho phép bạn có thể sai hay làm lại nhiều lần.

Lý do khởi nghiệp tuổi 40

Người ở tuổi 40, về cơ bản sự nghiệp đã có sự ổn định, thường đã có một vị trí nhất định trong tổ chức hoặc cũng đã là một chủ doanh nghiệp thành đạt. Tuổi 40 thường cũng là tuổi đã có một gia đình yên ấm, với không ít áp lực thời gian và tài chính để duy trì tổ ấm của mình. Vậy động lực gì khiến người ta lại quyết định khởi nghiệp tuổi 40?

Trường hợp thứ nhất, sự nghiệp đang lận đận, chưa ổn định. Tuổi mà sự nghiệp thường đang ở độ chín, bạn bè cùng trang lứa đã có vị trí nhất định trong công ty hoặc có “đế chế” riêng, trong khi sự nghiệp mình vẫn chưa ổn định, năng lực thực sự vẫn chưa đủ để có bước nhảy vọt về vị trí cũng như thu nhập nếu đi làm thuê. Đây là tình trạng của không ít người khi “chênh vênh” ở tuổi trung niên.

Vì thế, họ quyết định khởi nghiệp tuổi 40 như một giải pháp cho sự bí bách, không lối thoát dù nó có phần rủi ro cao. Làm thuê tiếp cũng sẽ chẳng đi đến đâu, vẫn chỉ là nhân viên quèn, vị trí thấp, lương đủ sống. Chi bằng mạnh dạn kinh doanh, bước ra khỏi vùng an toàn để tạo dựng gì đó cho riêng mình, quan trọng hơn là có thể tạo bước ngoặt cho sự nghiệp đang rơi vào bế tắc.

Trường hợp thứ hai, sự nghiệp hiện tại chưa thỏa mãn được hoài bão lớn. Trường hợp này, sự nghiệp không rơi vào bế tắc, đã ổn định, có vị trí tương đối trong tổ chức, thu nhập cũng tốt đôi khi còn là cao so với mặt bằng chung hoặc bạn bè cùng lứa. Nhưng họ vẫn chọn khởi nghiệp tuổi 40 để hướng tới hoài bão lớn lao của mình.

lý do khởi nghiệp tuổi 40

Những người như này có năng lực, có ý chí, vì thế vị trí cao tại doanh nghiệp với mức thu nhập mơ ước vẫn chưa làm họ hài lòng. Họ vẫn có khát khao được thể hiện hết năng lực của mình, chứ không phải nghe theo sự chỉ đạo của một ai đó. Và khởi nghiệp gần như là một lựa chọn duy nhất để họ đạt được mong muốn này. Thương trường chính là nơi họ có thể thi triển hết tài năng mà không bị giới hạn bởi tư duy hay quan điểm của một ai khác.

Trường hợp thứ ba, muốn được một lần cháy hết mình vì đam mê. Khát khao khởi nghiệp luôn cháy bỏng nhưng vì lý do này, lý do khác chưa thể triển khai, đó là tình trạng của những người ở trường hợp này. Dù biết khởi nghiệp tuổi 40 có rất nhiều thách thức nhưng vì đam mê nên họ sẵn sàng chấp nhận, họ muốn một lần được thử sức để sau này không phải tiếc nuối điều gì.

Với những người có đam mê khởi nghiệp, đam mê kinh doanh thì đôi khi không phải chỉ trải qua một lần mà họ sẽ làm công việc này nhiều lần trong đời, cho đến khi sức lực của họ không còn cho phép. Đó chính là lý do trên thương trường là nhà sáng lập của rất nhiều thương hiệu, mở ra thương hiệu này, chuyển giao rồi lại bắt đầu với một thương hiệu mới. Lúc này không còn là khởi nghiệp tuổi 40 nữa, mà sẽ là khởi nghiệp tuổi 50, 60 hoặc muộn hơn nữa.

Thuận lợi và thách thức khi khởi nghiệp tuổi 40

Khởi nghiệp là không dễ dàng và ở bất cứ thời điểm nào trong đời đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Và khởi nghiệp tuổi 40 cũng không phải ngoại lệ.

  • Thuận lợi :

Thứ nhất, sự chín chắn và kinh nghiệm sống. Ở tuổi trung niên, kinh nghiệm sống đã có nhiều, sự chín chắn cũng cũng giúp bạn có những quyết định không bồng bột, cảm tính như tuổi trẻ. Đây là một thuận lợi giúp bạn hạn chế được nhiều rủi ro bằng cảm quan, thông qua những trải nghiệm quý báo đã tích lũy được trong quãng đời đã qua.

Thứ hai, tài chính vững vàng, ổn định về gia đình. Bước vào chặng đường khởi nghiệp tuổi 40 với một nền tảng tài chính đã vững vàng là một thuận lợi không nhỏ, nó giúp bạn giải quyết một vấn đề quan trọng khi khởi nghiệp đó là vốn. Nó cũng giúp bạn vững tâm vì đã có nguồn tài chính dự phòng khi chẳng may thất bại. Mặt khác, sự ổn định về gia đình cũng giúp bạn yên tâm dồn toàn tâm lực cho job khởi nghiệp mà không bị lo lắng, phân tâm vì vợ/chồng, con cái.

Thứ ba, nhiều mối quan hệ. Mối quan hệ luôn là một vũ khí lợi hại và là một công cụ mềm không thể thiếu trong kinh doanh. Khi khởi nghiệp tuổi 40, lợi thế về công cụ này là rõ ràng so với những người trẻ. Tuổi đời nhiều, về cơ bản sẽ mang lại cho bạn nhiều mối quan hệ và những mối quan hệ chất lượng. Chính những mối quan hệ này sẽ ít nhiều giúp bạn thuận lợi hơn trên con đường kinh doanh khởi nghiệp phía trước.

thuận lợi và khó khăn khi khởi nghiệp tuổi 40

  • Thách thức :

Thứ nhất, năng lượng và nhiệt huyết. Khi bước sang giai đoạn trung niên, năng lượng làm việc cũng như nhiệt huyết, chắc khó có thể so với lứa tuổi trẻ. Đây là một bất lợi cho bạn khi khởi nghiệp tuổi 40, cường độ công việc cao hay công việc vất vả ngày đêm có thể sẽ khiến bạn mệt mỏi và sớm chùn bước. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ vì đặc thù của khởi nghiệp sẽ mất rất nhiều sức lực để xây dựng một hệ thống.

Thứ hai, không dám mạo hiểm. Như phân tích ở trên, gia đình ổn định, kinh tế vững vàng là 2 yếu tố thuận lợi khi khởi nghiệp. Nhưng ngược lại, đây cũng là yếu điểm, nó khiến bạn có nhiều thứ để mất hơn một người chưa có thành tựu gì. Chính vì thế, bạn không thể mạo hiểm mà luôn cần những bước đi chắc chắn nhất có thể. Trong kinh doanh, việc quá chắc chắn, không dám mạo hiểm đôi khi là một bất lợi khiến bạn không chớp được những thời cơ, vì thế sự đột phá có thể sẽ khó xảy ra.

Thứ ba, bảo thủ và khả năng tiếp nhận cái mới chậm. Thị hiếu người tiêu dùng luôn thay đổi nên kinh doanh cần có sự ứng biến nhanh, đặc biệt là sự thay đổi trong tư duy chiến lược và cập nhật những công nghệ mới. Tuy nhiên, ở tuổi trung niên, thường mỗi người đã có lăng kính riêng cho mỗi vấn đề, đã hình thành tư duy dạng lối mòn khó thay đổi. Mặt khác, việc cập nhật những cái mới trong công việc cũng tỏ ra chậm hơn so với những người trẻ. Đây chính là một thử thách thực sự cho những người có ý định khởi nghiệp tuổi 40.

Vậy có nên khởi nghiệp tuổi này hay không

Khó có một kiến giải trọn vẹn cho câu hỏi :có nên khởi nghiệp tuổi 40 hay không, vì hoàn cảnh, năng lực của mỗi người là khác nhau. Theo Hải, muốn có đáp án chính xác chúng ta cần quay lại mục đích của cuộc sống mỗi người đã, sẽ luôn theo đuổi và tự nhìn nhận một cách khách quan nhất về năng lực, tính cách bản thân.

Nếu mục tiêu cuộc sống là nâng cao chất lượng cuộc sống, vật chất vừa phải, quan trọng là hạnh phúc gia đình thì chắc chắn khởi nghiệp tuổi 40 là điều không nên. Ngược lại, mục tiêu là đạt được thành tựu lớn về sự nghiệp, hoàn thành hoài bão và bạn luôn trăn trở vì điều này, thì không có lý do gì có thể ngăn bạn khởi nghiệp. Khi tâm trí bạn đã hướng tới việc thi triển hết khả năng của mình, thì chỉ có khởi nghiệp mới mang lại cho bạn hạnh phúc thực sự.

Ở một khía cạnh khác, khi bạn chưa phải là một nhân viên tốt, công việc còn chưa hoàn thành chỉn chu, việc quản trị bản thân còn đang hạn chế thì cần cân nhắc kỹ việc khởi nghiệp. Vì khởi nghiệp sẽ yêu cầu cao về kỉ luật bản thân, nếu bạn chưa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhân viên thì khó mà quản lý tốt một tập thể đội ngũ dưới quyền.

trả lời câu hỏi có nên khởi nghiệp tuổi 40

Ngoài ra, tính cách cũng quyết định không nhỏ đến khả năng thành công khi khởi nghiệp tuổi 40. Đã nhiều năm làm thuê, quen với sự trì trệ, phải thúc giục mới làm thì cũng không nên bước sang con đường khởi nghiệp kinh doanh. Nhưng nếu tính cách quyết liệt, đã quen với sự chủ động trong công việc thì bạn đã có một yếu tố cần khi khởi nghiệp.

Tóm lại, nên hay không khởi nghiệp tuổi 40 vẫn là câu chuyện riêng của mỗi người mà không có mẫu số chung. Phù hợp với mục tiêu cuộc sống, năng lực và tính cách sẽ là mấu chốt để tìm ra câu trả lời chính xác nhận cho bạn. Cuộc sống vẫn luôn bắt chúng ta đưa ra các lựa chọn khó khăn, vì thế việc rủi ro, được mất khi chọn một phương án là điều bạn phải vui vẻ chấp nhận khi đưa ra quyết định của mình.

>> Xem thêm : Những tính cách không nên làm ông chủ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *