CÓ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP?

Mỗi người đều có cá tính riêng, không ai giống ai hoàn toàn. Đối với doanh nghiệp cũng tương tự, mỗi doanh nghiệp đều có “bản sắc” riêng, dù muốn hay không nó vẫn được hình thành tự nhiên, nó được gọi là đặc trưng của doanh nghiệp. Nếu để cái đặc trưng này hình thành và phát triển một cách tự nhiên, không có định hướng thì nó phần nhiều chỉ phản ánh tính cách của chủ doanh nghiệp.

xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Còn nếu muốn có một bản sắc, đặc trưng doanh nghiệp mang đến sự tích cực cho toàn bộ nhân sự công ty cũng như khách hàng, đối tác thì doanh nghiệp cần phải chủ động xây dựng bản sắc của riêng mình. Quá trình này được gọi là xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Với những công ty lớn, văn hóa doanh nghiệp là cái bắt buộc và được xây dựng một cách khá bài bản. Còn những doanh nghiệp nhỏ thì sao? có cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa doanh nghiệp, tuy nhiên Hải thấy định nghĩa sau đây là cụ thể, dễ hiểu và đỡ trừu tượng nhất. Văn hóa doanh nghiệp là: bộ quy tắc ứng xử, tư duy, thái độ trong công việc của toàn bộ thành viên trong công ty.

Văn hóa doanh nghiệp giúp toàn bộ nhân sự có cách nhìn, mục đích hướng tới và cách ứng xử giống nhau ở mỗi sự việc trong công việc. Nó tạo nên cách làm thống nhất trong toàn bộ máy, qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết công việc và mang tới cái nhìn thiện cảm của khách hàng, đối tác của doanh nghiệp. 

xây dựng văn hóa doanh nghiệp bộ quy tắc ứng xử

Khi một sự việc xảy ra trong công việc, nếu không có cách nhìn nhận chung thì rất dễ xảy ra tình trạng mỗi người, mỗi phòng ban sẽ hiểu theo cách khác nhau theo quan điểm của mình, sẽ có mục tiêu khác nhau khi giải quyết, dẫn đến cách làm và kết quả mang lại khác nhau.

Có cần thiết phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp không?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần xem xét việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp có giúp ích gì cho hoạt động của công ty, cũng như toàn bộ nhân sự hay không. Nhìn ở các khía cạnh này rõ ràng văn hóa doanh nghiệp không phải thứ vô nghĩa hay một chiêu trò tâm lý của chủ doanh nghiệp.

Khi thiết lập bộ quy tắc ứng xử chung trong suy nghĩ và hành động, sẽ hạn chế tối đa được các xung đột trong doanh nghiệp, đặc biệt là khi thực hiện các nhiệm vụ cần sự phối hợp của nhiều người hay nhiều bộ phận. Nó thiết lập tư duy và hành vi của nhân sự trong công việc, định nghĩa cách nhân sự tương tác với đồng nghiệp, khách hàng và đối tác.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng giúp nhân sự thấy được giá trị của mình trong tổ chức, giúp họ tự tin, chủ động hơn trong công việc, qua đó nâng cao hiệu suất làm việc của người lao động. Mặt khác, nó giúp nâng cao sự tự hào thương hiệu của nhân sự, góp phần không nhỏ việc giữ chân nhân sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ngoài ra, nó tạo sự cởi mở giữa các thành viên trong công ty, chủ động chia sẻ hơn, từ đó tạo tâm lý làm việc tích cực của nhân sự.

xây dựng văn hóa doanh nghiệp thực sự cần thiết

Đặc biệt, xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là một phần quan trọng của xây dựng thương hiệu, giúp doanh nghiệp định hình bản sắc riêng trong mắt khách hàng, đối tác. Từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp trên thị trường.

Có thể khẳng định lại một lần nữa, nếu muốn xây dựng một đội ngũ nhân sự phù hợp, chất lượng, doanh nghiệp chắc chắn cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách nghiêm túc và bài bản. Đối với nhân sự mới, họ sẽ biết mình có phù hợp không hoặc biết cần phải suy nghĩ, hành động ra sao nếu muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Còn đối với nhân sự cũ, văn hóa doanh nghiệp là tấm gương soi chiếu, luôn nhắc nhở họ cần giữ đúng giá trị cốt lõi để nhân sự mới nhìn vào.

Ngược lại, nếu không xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tổ chức sẽ phát triển tự do theo quan điểm, cách nhìn nhận riêng của từng người. Không có hệ quy chiếu chung, dẫn đến các xung đột và mâu thuẫn sẽ xảy ra thường xuyên. Và sự mâu thuẫn chính là nguy cơ tiềm ẩn cho sự tan rã của bất kỳ tổ chức nào.

Cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần thống nhất trong toàn bộ nhân sự, không nên xây dựng theo hướng áp đặt từ trên xuống dưới. Là con người, ai cũng muốn nhận được sự tôn trọng từ người khác vì thế khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng cần tôn trọng toàn bộ nhân viên của công ty, chỉ tiến hành khi nhận được sự đồng thuận cao. Mặt khác, chỉ khi đồng thuận, từng nhân sự mới tự giác thực hiện theo bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, từ đó mới hình thành được văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp cũng cần được thiết kế, truyền đạt một cách rõ ràng để tất cả nhân sự cùng hiểu và hiểu đúng. Chỉ khi cùng hiểu đúng thì nhân sự công ty mới có thể có cùng suy nghĩ và hành động, vì thế xây dựng văn hóa doanh nghiệp thường được thể hiện dưới dạng bộ quy tắc ứng xử trong công việc. Bản chất của nó chính là sự bộ quy tắc về suy nghĩ và hành động trong ứng xử giữa các thành viên công ty, giữa người nội bộ với khách hàng, đối tác.

Văn hóa doanh nghiệp cần được ứng dụng trong các hoạt động thường ngày của công ty. Thông qua các hướng dẫn cụ thể, nhân sự có thể ứng dụng hệ giá trị cho công việc của mình, từ đó văn hóa doanh nghiệp mới thực sự có ý nghĩa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần một sự kiên trì, nhất quán, nên cần tổ chức các buổi phổ biến và hướng dẫn để tất cả nhân sự hiểu đúng, thấm nhuần nó.

chủ doanh nghiệp phản chiếu xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp và các vị trí lãnh đạo là nhân tố then chốt trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Dù văn hóa doanh nghiệp đã được thiết kế rõ ràng, được thống nhất từ trên xuống dưới, nhưng chính những lãnh đạo phải là người đầu tiên thực hiện, ứng dụng chúng trong công việc hàng ngày. Họ phải có tinh thần nêu gương trong doanh nghiệp, nói cách khác, lãnh đạo phải là tấm gương phản chiếu văn hóa doanh nghiệp.

Cho dù rất khách quan và không muốn áp đặt việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, văn hóa doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều từ chủ doanh nghiệp. Bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cách ứng xử, góc nhìn, tính cách của ông chủ. Ông chủ thường xuyên đến muộn giờ họp thì khó có thể mong chờ cấp dưới họp đúng giờ, ông chủ làm việc chỉn chu thì chắc chắn sẽ có cấp dưới chuyên nghiệp.

Tóm lại, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là rất cần thiết cho mọi tổ chức dù lớn hay nhỏ. Nó là một quá trình bền bỉ, cần được sự thống nhất cao từ trên xuống dưới và nó cần cụ thể hóa thành một bộ quy tắc ứng xử trong công việc. Và người đầu tiên áp dụng bộ quy tắc này phải là chủ doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, văn hóa doanh nghiệp mới có ý nghĩa cho tổ chức, bằng không nó vẫn chỉ là những câu khẩu hiệu sáo rỗng và chẳng nhân sự nào thèm quan tâm.

>>> Thực trạng dùng văn hóa doanh nhân áp đặt cho văn hóa doanh nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *