Gần đây, trên các báo điện tử có đề cập đến một hiện tượng khá lạ lùng đó là : một số quán ăn ở các thành phố lớn không nhận chuyển khoản, chỉ nhận tiền mặt. Nói là lạ lùng vì vài năm trở lại đây, thanh toán không dùng tiền mặt đã là một xu thế tất yếu trong mọi ngành nghề, khía cạnh của đời sống. Từ giao dịch lớn như mua bất động sản, ô tô đến mua mớ rau, con cá ngoài chợ, đến chén nước chè đều dùng chuyển khoản, rất nhiều hàng rau hàng thịt cũng đã cập nhật xu thế, nhanh chóng bổ sung mã QR trên quầy hàng của mình.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), trong năm 2023, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng 52%, số lượng giao dịch rút tiền ATM giảm 16.9% so với cùng kỳ. Như vậy, thanh toán không tiền mặt đã là một hành vi tích cực được cả xã hội đón nhận trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện. Nhưng vẫn có một số ít người vẫn bảo thủ, đi ngược xu thế vì lý do này hay lý do khác.
Đầu tiên, xét về khía cạnh tiện lợi, hữu ích của giao dịch không tiền mặt. Không cần phải phân tích nhiều, ai cũng thấy việc thanh toán không tiền mặt mang đến sự tiện lợi cho cả người mua và người bán. Người mua không cần mang ví nữa, chỉ cần với chiếc điện thoại. Người bán không cần lo tiền cũ, tiền giả, không sợ nhầm lẫn khi đếm tiền. Về phía người mua, rõ ràng đều mong muốn được sử dụng hình thức thanh toán này ở mọi nơi bán. Có chăng, chỉ có 1 số mặt bất tiện mà chủ quán đưa ra như: phải đọc pass wifi cho khách, khách xếp hàng đợi thanh toán, thanh toán nhầm, lừa đảo…để giải thích cho việc không nhận chuyển khoản. Những lý do này chỉ chứng minh cho sự cố chấp và bảo thủ của chủ quán vì nó khắc phục hết sức đơn giản, quan trọng hơn là nó đang gây khó khăn cho chính các “thượng đế” của mình.
Tiếp theo, xét trên khía cạnh kinh doanh. Khách hàng là thượng đế, lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo giá trị thương hiệu,…là những kim chỉ nam trong kinh doanh ở thời đại ngày nay; mọi doanh nghiệp, thương hiệu, cửa hàng hay bà bán nước chè đều phải thấm nhuần triết lý này nếu muốn tồn tại. Nhưng lạ thay, vẫn tồn tại những cửa hàng sẵn sàng gạt bỏ mong muốn chính đáng của khách hàng vì một vài vấn đề nhỏ nhặt. Việc không chấp nhận thanh toán chuyển khoản quả thực không những là gạt đi mong muốn mà còn đang gây khó khăn cho các “thượng đế”. Liệu các chủ quán đó có hiểu rằng, đi ngược xu thế ắt sẽ bị đào thải, không tôn trọng khách hàng chắc chắn sẽ không thể tồn tại !?
Nhìn ra thế giới, vẫn còn đó những bài học đắt giá về việc đi ngược xu thế, không chịu thay đổi chính mình để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nokia – thương hiệu điện thoại số 1 thế giới một thời, khi đang ngủ say trên chiến thắng, vẫn bảo thủ với bàn phím Qwerty, họ cho rằng mình là mạnh nhất và không có gì cần thay đổi mà khách hàng sẽ phải theo mình. Rồi Nokia nhanh chóng sụp đổ, biến mất khỏi thị trường vì các thương hiệu điện thoại khác đã kịp nhận ra xu hướng mới là màn hình cảm ứng. Iphone, Samsung,…đã nắm bắt và thay đổi nhanh theo xu thế, thay đổi theo mong muốn của người dùng, còn Nokia thì không. Nokia đã từng đứng đầu thế giới còn bị đào thải, gần như biến mất trên thị trường vì sự bảo thủ của mình, thì những hàng quán nhỏ nhoi liệu có tồn tại khi giữ lối suy nghĩ cũ?
Hãy thấm nhuần và thực sự coi khách hàng là trung tâm khi kinh doanh, đừng chỉ hô khẩu hiệu hoặc tư duy bán hàng như cách đây hàng trăm năm. Xã hội thay đổi không ngừng và xuất hiện những xu thế mới mà không ai có thể cưỡng lại, chúng ta phải chấp nhận nó đặc biệt là những người làm kinh doanh.